Đứa trẻ lang thang và vụ trọng án tại shop thời trang
Bị cáo Nguyễn Văn Tùng tại tòa
Theo hồ sơ của vụ án, Nguyễn Văn Tùng (SN 1991, tạm trú tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người đã có vợ. Mặc dù kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn nhưng vợ chồng Tùng vẫn sinh 2 đứa con. Sau khi sinh đứa thứ 2, vợ chồng Tùng trở nên túng thiếu hơn, một mình y không đủ sức nuôi cả vợ và con.
Chiều tối ngày 26/10/2008, quá bí bách, Tùng quyết định ra đường đi trộm cắp tài sản để có tiền tiêu. Trong người chỉ vẻn vẹn có hơn 10 nghìn đồng, Tùng rẽ vào một cửa hàng, mua con dao nhọn để thực hiện mục đích đi cướp.
Trên đường lang thang đi tìm “mồi”, khi đến phố Tôn Đức Thắng thì trời đổ mưa. Tùng tạt vào cửa hàng bán quần áo ở số 219D rồi đứng ở cửa tránh mưa. Ngó vào trong, thấy cửa hàng chỉ còn lại một nữ nhân viên, ngoài đường thưa người qua lại, trời lại nhá nhem tối, Tùng nảy sinh ý định đen tối.
Chờ đến lúc thích hợp, Tùng cầm dao xông vào cửa hàng, khống chế chị Lê Thị Thu Trang (20 tuổi, thường trú ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, tạm trú quận Hai Bà Trưng) là nhân viên bán hàng để yêu cầu đưa 300 nghìn đồng. Khi chị Trang nói không có tiền, Tùng nhìn quanh thấy chiếc xe máy Honda đã cắm sẵn chìa khóa. Lập tức, Tùng dùng dao đâm nạn nhân hai lần cho đến chết rồi lên xe máy bỏ trốn.
Sau khi gây án 1 ngày, Tùng trốn về Hải Phòng để tránh sự truy đuổi của cơ quan điều tra. Chiều tối ngày 27/10, qua điện thoại Tùng kể lại toàn bộ sự việc cho gia đình. Được sự vận động của bố đẻ và vợ, sau 2 ngày lẩn trốn cơ quan công an, đến ngày 28/10, Tùng đã ra đầu thú, khai nhân toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tùng chỉ cho điều tra viên hung khí sát hại nạn nhân
Bi kịch của kẻ tử tội
Tùng khai nhận, ban đầu, y đi mua dao là để trả thù một đối tượng tên Giang vì tên này đã chém Tùng bị thương trước đó. Trên đường đi tìm đối thủ, do gặp mưa nên Tùng đứng trú ở cửa hàng 219D Tôn Đức Thắng. Theo Tùng, lúc này chị Trang là nhân viên bán hàng đã xua đuổi không cho y trú mưa. Khi chị càu nhàu, Tùng tức giận nên đã cầm dao giết người.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm điều tra lâu năm kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên nhận thấy lời khai ban đầu của Tùng có nhiều điểm không trùng khớp với hiện trường vụ án. Do đó, các điều tra viên đã buộc Tùng phải khai lại toàn bộ các tình tiết giết người.
Vụ giết người “khó tin” mà hung thủ là Nguyễn Văn Tùng đã khiến những người thân của y đều bàng hoàng, ngỡ ngàng trước tội ác của gã. Được biết, Tùng là kẻ có một tuổi thơ “dữ dội”. Hắn chịu cảnh cha mẹ chia ly khi mới chỉ được 2 tuổi. Từ đó, cuộc sống túng thiếu, khổ cực đã đến với hắn, đặc biệt là từ khi mẹ Tùng đưa hắn vào gửi nhờ trại trẻ mồ côi.
Cuộc sống vốn đã cơ cực, Tùng lại phải chịu thêm cái chứng nghiện thuốc lá nặng của mẹ hắn. Năm 2000, mẹ Tùng qua đời để lại hắn một mình đối mặt với vô vàn khó khăn. Thất học, mù chữ, sống lang thang, không nghề nghiệp… là những nguyên nhân khiến Tùng trở thành kẻ sát nhân.
Ngày 13/3/2009, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tùng với hai tội danh, Giết người và Cướp tài sản.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tùng bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất với mức tử hình vì hành vi giết người có tình chất côn đồ, dã man. Tuy nhiên, tại thời điểm gây án, Tùng chưa đủ tuổi thành niên nên mức án tối đa có thể áp dụng cho bị cáo chỉ tới 18 năm tù.
Do đó, TAND Hà Nội đã tuyên phạt mức án kịch khung 18 năm tù cho Tùng về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là 18 năm.
Theo Báo công lý
www.nguoiduatin.vn