Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bằng đại học song ngữ không chứng thực ở Phường


Theo Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký như sau:


1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Phòng Tư pháp cấp huyện) có thẩm quyền và trách nhiệm:


a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;


b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài;


Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 1 Điều này và đóng dấu của Phòng Tư pháp.


2. UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:


a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt;


b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.


Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chứng thực các việc theo quy định tại khoản 2 Điều này và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã...



Ảnh minh họa


Theo Điều 1 Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ, với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã.


Như vậy, theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008, người yêu cầu chứng thực giấy tờ, văn bằng song ngữ được quyền lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp quận, huyện hoặc UBND cấp xã, phường.


Tuy nhiên, Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 có hiệu lực từ ngày 05/3/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP, Phòng Tư pháp cấp huyện được bổ sung thẩm quyền chứng thực cụ thể như sau:


a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.


b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.


c) Chứng thực các việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.


Như vậy, kể từ ngày 5/3/2012, Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, văn bản song ngữ. Do đó, trong trường hợp bạn xin chứng thực văn bản song ngữ tại UBND phường sau ngày 5/3/2012, việc từ chối chứng thực của cán bộ tư pháp phường là đúng theo quy định của pháp luật.


Trong trường hợp bạn xin chứng thực văn bản song ngữ tại UBND phường trước ngày Nghị định số 04/2012/NĐ-CP có hiệu lực mà bị cán bộ tư pháp từ chối, bạn có thể khiếu nại hành vi của người đó tới UBND phường trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày bạn bị từ chối chứng thực để được giải quyết.


Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)


Theo Vnexpress.vn





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP