Tranh cãi chuyện luật sư thu thập chứng cứ
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thủy (phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát - VKSND Tối cao) cho biết viện này đã đề xuất 10 vấn đề cần sửa đổi, bổ sung chế định này trong BLTTHS và tách thành hai mục: Chứng cứ (những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự; các nguồn chứng cứ…) và chứng minh (thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá).
Luật sư hỏi, nhân chứng phải trả lời?
Trong đó, để phù hợp với yêu cầu tăng cường tranh tụng, bảo đảm quyền bào chữa của nghi can, Viện Khoa học Kiểm sát đề xuất bổ sung thêm quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền hỏi người bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án nếu được những người này đồng ý; có quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật…”.
Ông Trần Văn Độ (phó Chánh án TAND Tối cao) nhận xét bổ sung như trên vẫn khó thực thi: “Nếu người làm chứng từ chối trả lời thì người bào chữa biết làm sao? Trong khi các cơ quan tố tụng hỏi thì họ bắt buộc có nghĩa vụ trả lời. Như vậy là chưa bình đẳng”.
Hiện nay, nhiều phiên tòa hình sự vắng mặt nhân chứng trong lúc xét xử. Ảnh: HTD
Theo ông Độ, ở các nước khác, việc triệu tập người làm chứng ra tòa khai báo rất phổ biến, còn ở nước ta rất nhiều phiên tòa vắng mặt nhân chứng, chỉ công bố lời khai trong quá trình điều tra. Thực tế đã xảy ra những vụ án oan mà khi phúc tra, ra tòa thì nhân chứng lại khai khác với bản khai ở cơ quan điều tra. Nếu mở rộng quyền cho luật sư hỏi, đồng thời quy định người làm chứng có nghĩa vụ phải trả lời thì cũng là một kênh thuận lợi để đảm bảo tính khách quan, toàn diện.
Ngược lại, ông Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp) phản đối: Quy định về quyền của người bào chữa đã đầy đủ. Người bào chữa không phải là cơ quan công quyền tiến hành tố tụng nên không thể được trao quyền lực bắt buộc chủ thể tham gia tố tụng khác đáp ứng. “Cần phân biệt rõ “quyền xét hỏi” của các cơ quan tố tụng trong hoạt động tố tụng khác với “quyền hỏi” bình thường. Có thể tham khảo luật các nước khác, họ cũng phân biệt rõ có hai khái niệm xét hỏi - hỏi tương tự như trên” - ông Phúc nói.
Ông Lê Minh Long (phó Cục trưởng Cục Điều tra - VKSND Tối cao) đồng tình với quan điểm này và cho rằng với quy định tại Điều 58 BLTTHS hiện hành thì “luật sư không lo thiếu quyền trong việc thu thập chứng cứ. Ông Long cũng bày tỏ lo ngại rằng việc mở rộng quyền “luật sư hỏi nhân chứng” quá rộng sẽ “dễ dẫn đến lạm quyền, vi phạm quyền tự do, dân chủ, nhân thân của người làm chứng”.
Ông Trương Đình Thắng (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) thì đề nghị: Nếu quy định về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa thì phải có thêm quy định về trình tự thu thập chứng cứ của họ.
Sửa khái niệm, mở rộng nguồn chứng cứ
Một vấn đề khác, khái niệm về chứng cứ được Viện Khoa học Kiểm sát đề xuất sửa thành “chứng cứ là những thông tin có thật”. Theo Viện Khoa học Kiểm sát, BLTTHS hiện hành quy định “chứng cứ là những gì có thật” đã dẫn đến nhiều cách hiểu: Có người hiểu là “những tài liệu, đồ vật cụ thể”, có người hiểu là những “thông tin có thật”, từ đó dễ nhầm lẫn giữa nguồn chứng cứ và chứng cứ.
Với quan điểm tăng cường tranh tụng, bình đẳng trong tố tụng hình sự, ông Trần Văn Độ cũng đề xuất sửa đổi khái niệm về chứng cứ. Theo ông Độ, quy định “chứng cứ là những gì có thật… mà cơ quan điều tra, VKS và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội…” của BLTTHS hiện hành là không phù hợp. Cần bỏ cụm từ “cơ quan điều tra, VKS và tòa án” trong quy định này bởi không chỉ các cơ quan tố tụng mới có quyền sử dụng chứng cứ mà các chủ thể khác tham gia tố tụng, nhất là người bào chữa cũng có quyền sử dụng chứng cứ để chứng minh sự vô tội.
Viện Khoa học Kiểm sát đề xuất bổ sung một số nguồn chứng cứ mới trong lĩnh vực công nghệ, hợp tác quốc tế: Âm thanh, hình ảnh liên quan đến việc chứng minh tội phạm do các phương tiện ghi âm, ghi hình và các phương tiện công nghệ thông tin khác lưu lại; kết quả tương trợ tư pháp do cơ quan thẩm quyền của nước ngoài cung cấp; kết luận của hội đồng định giá tài sản.
Cạnh đó, Viện Khoa học Kiểm sát cũng đề xuất bổ sung một điều luật mới quy định về nguyên tắc loại trừ chứng cứ theo hướng “những tài liệu, đồ vật, phương tiện công nghệ thông tin được thu thập nhưng vi phạm quy định của bộ luật này không được coi là chứng cứ, không có giá trị chứng minh trước pháp luật”. Ngoài ra, một đề xuất khác cũng rất đáng chú ý là “những tình tiết đã được chứng minh trong bản án đã có hiệu lực của tòa án thì được công nhận là chứng cứ, không cần chứng minh lại”.
Ai có quyền đánh giá chứng cứ? Theo đề xuất của Viện Khoa học Kiểm sát thì việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ do điều tra viên, trợ lý điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, trợ lý điều tra, kiểm tra viên chỉ là những người giúp việc cho điều tra viên, kiểm sát viên. Họ có thể hỗ trợ trong các hoạt động nghiệp vụ, kể cả thu thập chứng cứ, lấy lời khai… nhưng không thể có quyền đánh giá chứng cứ. Trao quyền đánh giá chứng cứ cho họ là không phù hợp. Ông HOÀNG NGHĨA MAI, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Đừng bắt cơ quan tố tụng “nghiên cứu” Không nên quy định “khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, VKS và tòa án phải xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội để yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa” vì không khả thi. Trách nhiệm phòng, chống tội phạm rất chung chung, nếu đưa quy định về hoạt động nghiên cứu vào BLTTHS thì không cần thiết. Ông NGUYỄN HUY THUẬT, |
Theo Pháp luật TP HCM
www.nguoiduatin.vn