Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Làm sao để không còn những bản án oan?


“Xét xử oan sai” không phải là một khái niệm mới, lạ lẫm và chuyện hiếm hoi trong xã hội ta lẫn “tây”; nhưng mỗi lần nghe hay nhìn thấy sự việc này ít ai “chai” và thờ ơ, hờ hững cho được, nhất là khi xã hội phát triển mang đến những điều kiện tốt nhất để không chỉ cung cấp cơ sở vật chất hiện đại mà còn đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cho ngành lập pháp và tư pháp.


Kẻ phạm tội giết người trên bản án đã không ngừng kêu oan. Nhưng khi lương tâm kẻ thủ ác lên tiếng, cũng chính là lúc dư luận xã hội đặt ra một câu hỏi lương tâm khác. Vì sao người ngay vẫn bị tống vào tù, khi mà có đến 3 cơ quan tố tụng ăn lương chỉ để làm mỗi việc là “không bỏ sót tội phạm, nhưng không được làm oan người vô tội”?



Những giọt nước mắt của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn ngày trở về.


Sau mỗi vụ việc kiểu thế này, thì dư luận lên án với những bất bình, bức xúc, tiếp theo là các kiến nghị, chỉ đạo từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, xử lý các vụ việc vẫn chỉ mang tính nhất thời, cá biệt và gần như không có một hành động cụ thể nào có ảnh hưởng lâu dài đã được thực hiện. Vì vậy, không có gì đảm bảo các vụ việc với kịch bản tương tự, thậm chí tồi tệ hơn sẽ tiếp tục xảy ra. Có rất nhiều việc đặt ra cho các cơ quan, những người làm công tác chuyên trách và phải được cụ thể hóa, thực hiện ngay, với tính chất cơ bản là minh bạch và quy trách nhiệm rõ ràng. Thiết nghĩ:


Trước hết, phải thay đổi quan niệm của toàn xã hội và của chính nhà làm luật, các cơ quan điều tra và tiến hành tố tụng. Việc giữ quan điểm đề cao “thái quá” về người làm công tác điều tra, truy tố, xét xử (như là những người tâm sáng, trí cao, liêm khiết; hay là những người làm nhiệm vụ cao cả là vạch trần, trừng trị tội ác, trái đạo đức xã hội và pháp luật; hay hành vi (hành động hoặc không hành động) của họ liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, uy tín, danh dự và quyền con người/công dân, đã tạo ra sự suy tôn giá trị không cần thiết, mang đến ảo tưởng về sự hy sinh của những người “làm nghề”, đồng thời tạo nên kẽ hở trong quá trình tác nghiệp.


Thứ hai, đừng kêu gọi một cách sáo rỗng về vấn đề lương tâm và liêm khiết đối với các cán bộ lập pháp và tư pháp. Việc này rất ít hiệu quả, nếu không muốn nói là không có hiệu quả. Điều quan trọng hơn là việc quy trách nhiệm đến từng tập thể/đơn vị và cá nhân cán bộ.


Mỗi một vị trí, từ lãnh đạo, người làm chuyên môn, đến các vị trí thấp nhất như dẫn giải, quản lý bị can, bị cáo, đều cần được xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ và khả năng đảm trách công việc của họ bằng văn bản. Người cán bộ có quyền từ chối các công việc ngoài phạm vi văn bản này.


Vụ việc gây oan sai là một trong những thực tế từ lỗi, sai phạm của cán bộ điều tra, truy tố, xét xử. Trách nhiệm này cần được quy thuộc cho Tòa án, Viện kiểm sát, mà cụ thể là Hội đồng xét xử, và những cán bộ trực tiếp tham gia quá trình thụ lý, xét xử vụ án.


Thứ ba, các cơ quan tư pháp nên xem xét lại, và phải chấm dứt hoặc xiết chặt tình trạng làm việc thiếu sự giám sát, minh bạch, để những cụm từ “nhầm lẫn”, “thiếu sót”, “ép cung” không nằm trong nghi vấn của dư luận hoặc trong kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Vì như thế sẽ tạo sự phản cảm, bất bình với bản thân người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phạm nhân, gia đình của họ và trong xã hội.


Cần có thiết chế qui định nghĩa vụ, quyền hạn và chế tài trách nhiệm đối với từng vị trí cán bộ đảm trách, khiến cho họ phải thực hiện nghiêm túc, đủ và đúng. Và để nếu xảy ra lỗi, có thể truy trách nhiệm các đơn vị, cá nhân cán bộ sai phạm và có căn cứ để xử lý.


Việc lạm dụng thời gian, thiếu trách nhiệm và không có thái độ nghiêm túc khi thực hiện nhiệm vụ, gây khó khăn cho đối tượng bị tình nghi, bị can, bị cáo; hay móc ngoặc, đưa những tình tiết dối trá vào quá trình điều tra… là những nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng.


Thứ tư, việc giải quyết oan sai bằng những việc như khôi phục nhân phẩm, danh dự và bồi hoàn vật chất (tiền), thì cần thiết suy nghĩ câu hỏi, trả lời nghiêm túc: cứ xét xử, nếu oan sai đã có "túi tiền" nhà nước lo chăng?


Thứ năm, ngành tư pháp phải hoàn toàn độc lập trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tăng tính quy chuẩn, chi tiết đối với cơ quan kiểm tra, cùng một một cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá thường kỳ phải được thiết lập.


Thứ sáu, bên cạnh tính tối quan trọng trong quá trình xét xử là minh bạch và được giám sát, thì một điều kiện tất yếu khác nữa là tất cả các dịch vụ pháp lý phải hoạt động theo đúng qui định của Nhà nước về nghĩa vụ, trách nhiệm và có chế tài rõ ràng trong trường hợp không làm đúng, làm “hết” trách nhiệm. Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người dân nói chung, người bị hại, đối tượng bị tình nghi, bị can, bị cáo được hỗ trợ tư pháp, vì thực tế phần lớn họ không tự bảo vệ được mình.


Hơn lúc nào hết, các hành động cấp thiết phải được làm ngay với ngành lập pháp và tư pháp, nhằm khôi phục lại phần nào chất lượng, phẩm chất để lấy lại và giữ vững niềm tin trong nhân dân. Hơn lúc nào hết, trọng trách và khả năng trèo lái con thuyền “chở công cụ” vạch trần những hành vi phạm pháp, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội được đặt vào tay chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Quốc hội), bộ trưởng Bộ Tư Pháp, bộ trưởng Bộ Công an, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây cũng là lúc các nhà lãnh đạo và cộng sự thể hiện các phẩm chất và năng lực của mình.


Hoàng Thu Trang





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP