Bắt 41 đối tượng Trung Quốc, Đài Loan giả danh cảnh sát
Theo tin tức trên báo Kiến Thức: Nguồn tin từ công an TP Hải Phòng cho biết, chiều 4/11, đơn vị này đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) bắt giữ 44 đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan giả danh cảnh sát Trung Quốc và có hành vi sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.
Cụ thể vụ việc, vào khoảng 13h15 ngày 4/11, C50 (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hải Phòng đã đột nhập vào một căn biệt thự thuộc phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng). Kiểm tra có dấu hiệu hoạt động phạm tội, lực lượng chức năng đã bắt giữ 44 đối tượng đang có hành vi gọi điện thoại quốc tế qua mạng Internet gồm 41 đối tượng (gồm 27 đối tượng nam và 14 đối tượng nữ). Trong số đối tượng này có 21 đối tượng là người Trung Quốc, 20 đối tượng người Đài Loan. Ngoài ra, 3 người Việt Nam cũng đã bị bắt giữ. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật gồm một số điện thoại bàn, máy vi tính, sổ sách mà nhóm đối tượng này dùng để thực hiện hành vi phạm tội.
Ngôi biệt thự nơi các đối tượng thuê để sinh sống và thực hiện hành vi lừa đảo.
Chia sẻ trên TTXVN: Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự - PC45, Công an thành phố Hải Phòng, cho biết, trước đó, thông qua công tác nghiệp vụ trinh sát, Công an thành phố Hải Phòng thấy xuất hiện những nhóm người có quốc tịch nước ngoài thường đến địa bàn thành phố Hải Phòng thuê nhà ở dài hạn nhưng chỉ sống một thời gian ngắn sau đó bỏ đi đột ngột.
Đi sâu nắm tình hình phát hiện những nhóm người thường mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam từ nhiều cửa khẩu khác nhau, sau đó di chuyển về cùng sống tại Hải Phòng. Nhóm người này thường có hơn 10 người (cả nam, nữ), thuê những ngôi nhà là khu biệt thự ở những nơi vắng người với hợp đồng khoảng một năm và thường xuyên ở trong nhà không giao tiếp với người xung quanh; mua nhiều đồ ăn sẵn, đóng gói và thuê người đến nấu ăn, giặt quần áo. Những người được thuê đến nấu ăn chỉ được sinh hoạt, đi lại, phục vụ ở tầng dưới cùng, không được lên tầng trên.
Nhóm đối tượng trên thường thuê các đường truyền Internet tốc độ cao và có đặc điểm thường chỉ ở một chỗ trong khoảng từ 1-3 tháng, sau đó bí mật chuyển chỗ ở (ở Hải Phòng, nhóm này đã thuê sáu địa điểm trong thời gian qua).
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đến khoảng đầu tháng 10/2014, Công an thành phố Hải Phòng xác định nhóm đối tượng trên thuê một ngôi nhà tại Lô 34 khu biệt thự Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; đồng thời có thuê hai đường truyền Internet tốc độ cao. Trinh sát đã phát hiện các đối tượng thường thực hiện rất nhiều cuộc gọi (giao thức VOIP) gọi đến các số điện thoại cố định và di động ở Trung Quốc.
Lực lượng chức năng lấy lời khai của các đối tượng.
Kết hợp với Công an Trung Quốc xác minh các thông tin, Công an Hải Phòng có đủ tài liệu xác định nhóm đối tượng trên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Trung Quốc với phương thức giả danh dịch vụ chuyển phát nhanh thông báo cho người dân đang sống tại Trung Quốc nhận gói quà; sau đó tiếp tục giả danh Công an Trung Quốc gọi điện đến đe dọa người nhận điện thoại rằng, họ đang điều tra về nhóm đối tượng có hành vi rửa tiền với số lượng lớn…; tiếp đó thực hiện nhiều cuộc gọi trên mạng làm người bị hại tin, sợ và gửi tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu để “Cơ quan Công an kiểm tra."
Qua trao đổi thông tin với Công an Trung Quốc, Công an thành phố Hải Phòng đã xác định có bị hại là chị Lao Gia Gia đang sống tại Quảng Tây - Trung Quốc đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 220.000 nhân dân tệ. Chị Lao Gia Gia đã làm đơn tố giác; đồng thời, Công an Trung Quốc đã gửi công hàm đề nghị Công an Việt Nam giúp bắt giữ các đối tượng và tang vật để Công an Trung Quốc xét xử.
Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các phòng chức năng điều tra mở rộng án.
Gia Huy (Tổng hợp)
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn