Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Gái gọi' công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh


Theo tin tức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 19/12, UBQG phòng chống HIV và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm, Bộ LĐTB&XH tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003-2014.


'Gái gọi' công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh - Ảnh 1


Ông Nguyễn Trọng Đàm thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết, mới đây 63 tỉnh, thành phố báo cáo hiện có gần 12.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý (người bán dâm từng bị xử phạt hoặc tập trung vào trung tâm giáo dục lao động xã hội - PV).


"Đây là số người có hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng, còn con số thực tế về số người bán dâm có thể còn cao hơn nhiều do đây là một hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó", ông Đàm nói.


Theo ông Đàm, tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn cao, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng.


Ngoài ra, tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương.


Đặc biệt, theo thứ trưởng Đàm, thời gian gần đây còn xuất hiện hình thức hoạt động mại dâm mới như gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam , mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, Facebook.


"Phải thừa nhận việc phòng, chống mại dâm còn nhiều bất cập, hạn chế. Thậm chí còn có biểu hiện làm ngơ của một số cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở. Nhiều địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm thách thức dư luận", ông Đàm nhận định.


Phát biểu tại hội nghị, đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) khẳng định, tình hình hoạt động mại dâm vẫn là vấn đề nhức nhối và về cơ bản vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình.


"Từ năm 2008 đến nay, hoạt động mại dâm phát triển theo phương thức “gái gọi” với việc sử dụng công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh. Đáng lưu ý là những tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, ca sĩ. Thậm chí, gầy đây trong TP.HCM có cả mại dâm nam", ông Vĩnh nêu.


Cũng tại hội nghị, đa số các địa phương tham dự kiến nghị Quốc hội cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật phòng, chống mại dâm trên cơ sở điều chỉnh những bất cập của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương khi để xảy ra những tụ điểm mại dâm thách thức dư luận.


Trao đổi với các đại biểu trong hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù thực tế số lượng người bán dâm tăng, hình thức hoạt động tinh vi, phong phú, đa dạng hơn nhưng nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ thiết thực của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội thì tình hình có thể khó khăn, phức tạp hơn nữa.


'Gái gọi' công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh - Ảnh 2


Vì vậy, cần có sự đánh giá chính xác kết quả cũng như những hạn chế trong công tác phòng chống mại dâm từ nhận thức, quan điểm đến tuyên tuyền, tổ chức thức hiện, kinh phí, bộ máy, quy định pháp luật.


“Nhiều mô hình thực tiễn, rất phong phú được triển khai trong thực tế cũng như nhiều ý kiến xã hội khác nhau về phòng, chống mại dâm ở Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải rất khoa học, thực tế và bình tĩnh để giải quyết vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.


Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam không hợp pháp hóa mại dâm nhưng các giải pháp phòng, chống mại dâm phải mang tính xã hội, giảm thiểu tác hại đối với người bán dâm (kể cả người mua dâm) và xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm của con người.


Việc phòng, chống mại dâm không là nhiệm vụ của riêng cơ quan, bộ, ngành nào mà của chung xã hội, hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của những người trong cuộc, các tổ chức xã hội. Trong đó lấy phòng ngừa là chính, giảm thiểu tác hại và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm.


Đánh giá một số quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, các luật mới; cần phải bổ sung, thay thế, hoàn thiện, Phó Thủ tướng cho rằng cần sớm xây dựng Luật Phòng chống mại dâm.


“Trong thời gian xây dựng luật, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện những quy định hiện hành thật tốt, mặt khác không đợi có chương trình làm luật mà chúng ta chủ động nghiên cứu, đề xuất, huy động cộng đồng xã hội tham gia góp ý vào những quy định mới theo hướng bảo vệ quyền chính đáng của con người, giảm thiểu thiệt hại, đồng bộ với tất cả các luật khác”, Phó Thủ tướng nói.


Xem thêm Clip:


Nạn mại dâm 'trai giả gái' hoành hành ở Sài Gòn









Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2003-2014, công tác phòng ngừa mại dâm đã được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình an sinh xã hội như: Xóa đói giảm nghèo; dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động, cho vay vốn ưu đãi và hỗ trợ con em gia đình nghèo đi lao động ngoài nước... Qua đó, đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn không để phụ nữ, trẻ em gái vì thiếu việc làm và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị lôi kéo, ép buộc vào tệ nạn mại dâm.


Việc thực hiện hiệu quả các chương trình phòng ngừa mại dâm được hỗ trợ từ hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và chi tiết nhằm điều chỉnh tất cả các hoạt động liên quan từ tuyên truyền, giáo dục đến đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến tệ nạn này.


Từ năm 2003 đến nay, các đội kiểm tra liên ngành của các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 602.891 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 172.323 cơ sở vi phạm, phạt tiền 116.516 cơ sở với hơn 83 tỷ đồng; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với 4.577 cơ sở.


Lực lượng công an truy quét mạnh ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở khách sạn, vũ trường, quán bar... đặc biệt tại các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM). Tính đến tháng 9/2014, các lực lượng đã truy quét, triệt phá 11.676 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 47.350 đối tượng. Tòa án các cấp đã xét xử 8.967 vụ án, 12.051 bị cáo trong tổng số 9.596 vụ với 13.171 bị cáo phải giải quyết.


Từ năm 2012 đến nay, nhiều mô hình, giải pháp mới đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng với 30.000 lượt người được tư vấn; dạy nghề cho 1.822 người; tạo việc làm cho 1.212 người.


Tuy nhiên, đại diện các địa phương nhìn nhận công tác phòng chống mại dâm còn không ít khó khăn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó. Hiện nay, đã xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, mại dâm đồng tính, mại dâm nam, môi giới mại dâm thông qua Internet, mạng xã hội...


Trong khi đó, nguồn lực dành cho công tác này còn thấp, giai đoạn 2006-2014 là khoảng 700 tỷ đồng. Mức độ quan tâm của chính quyền địa phương, lực lượng thực hiện công tác phòng, chống mại dâm chưa tương xứng với yêu cầu. Một số quy định của pháp luật (khái niệm mại dâm, vấn đề thực hiện giảm hại, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở...) không còn phù hợp, đáp ứng được với thực tiễn tình hình mới.



Gia Huy (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP