Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Vụ chìm ca nô làm chết 9 người: Đề nghị xem xét lại tội danh


Theo tin tức trên báo Công an TP.HCM, liên quan đến vụ án chìm ca nô xảy ra vào tháng 8/2013 ở Cần Giờ khiến 9 người chết, ngày 17/10/2014, Viện KSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố 2 bị can là Vũ Văn Đảo (Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo khoản 3 điều 214 bộ luật Hình sự (BLHS).


Vụ chìm ca nô làm chết 9 người: Đề nghị xem xét lại tội danh - Ảnh 1


Theo cáo trạng, hai bị can trên đã có hành vi điều động ba ca nô cao tốc chở nhân viên Công ty cổ phần sản xuất ống thép khí Việt Nam từ Tiền Giang đến khu du lịch Đảo Xanh (Vũng Tàu) khi chưa được Cục Đăng kiểm cấp giấy đăng kiểm, sử dụng sai mục đích, chở quá số người cho phép…


Hậu quả là tai nạn thương tâm đã xảy ra khi chiếc ca nô chở 24 người bị lật tại vùng biển Cần Giờ khiến 9 người thiệt mạng.


Bị can Đảo kêu oan rằng cáo trạng chưa chứng minh được việc không đảm bảo an toàn của chiếc ca nô là nguyên nhân gây ra tai nạn. Chiếc ca nô bị nạn đã được đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.


Việc lật ca nô là do chở quá số người quy định, không có nguyên nhân do lỗi kỹ thuật hay chất lượng của ca nô... Bị can này đã gửi đơn đến Liên đoàn luật sư để nhờ hỗ trợ về mặt pháp lý (bị can là luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).


Theo báo Thanh Niên, ngày 18/12, luật sư Hoàng Thị Vui cùng 24 luật sư khác thuộc Đoàn luật sư tỉnh BR-VT đã có đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khiếu nại về việc truy tố của Viện KSND TP.HCM là chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm theo điều 214 BLHS.


Trước đó, sau khi nhận được đơn kiến nghị của các luật sư nêu trên, Liên đoàn Luật sư VN đã gửi văn bản đến Viện KSND TP.HCM, TAND TP.HCM đề nghị xem xét kiến nghị của các luật sư Đoàn BR-VT liên quan đến tội danh của ông Đảo.









Điều 214. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thuỷ không bảo đảm an toàn


1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.


2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.


3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.


4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.



Gia Huy (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP