Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Bí quyết' truy lùng tội phạm của người chọn nghề 'mò kim đáy bể'


Quyết tâm không để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Thiếu tá Nguyễn Thanh Nhân, Đội trưởng đội Truy bắt đối tượng truy nã về TTXH (PC52), công an tỉnh An Giang trở thành “khắc tinh của những kẻ trốn nã”.


“Khắc tinh của tội phạm trốn nã”


Sau hơn 15 năm công tác trong ngành công an, Thiếu tá Nguyễn Thanh Nhân không chỉ được các đồng nghiệp nể trọng mà còn khiến giới những kẻ bị truy nã kinh khiếp. Anh được ví như khắc tinh của loại tội phạm này chính từ những thành tích đáng khâm phục trong việc truy lùng, phát hiện, bắt giữ, vận động đầu thú nhiều tội phạm bị truy nã.


'Bí quyết' truy lùng tội phạm của người chọn nghề 'mò kim đáy bể' - Ảnh 1


Tuy nhiên, khi chia sẻ về công việc được nhiều người gọi vui là nghề “mò kim đáy bể”, Thiếu tá Nhân vẫn chỉ xem đó là nhiệm vụ, công việc phải hoàn thành. Anh cho biết: “Tôi luôn quan niệm rằng, khi mình đã chọn, xác định đi con đường này, nghề nghiệp này, tôi phải đặt hết sức, hết tâm huyết, nhiệt huyết vào nó. Khi làm việc bằng cả tấm lòng, tôi tin mình sẽ có được những thành quả”.


Quan niệm, cách sống trên đã thôi thúc, nâng bước anh vượt qua những gian khổ trong hành trình “mò kim đáy bể”. “Nếu có ai đó nói nhiệm vụ của chúng tôi như mò kim đáy bể cũng dễ hiểu. Vì nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra, phát hiện, bắt giữ, vận động những tội phạm trốn nã về chịu án giữa biển người mênh mông trong nước, thậm chí ở cả nước ngoài. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tìm một người đã khó, nay chúng tôi còn phải đối mặt với loại tội phạm trốn nã. Đó là những đối tượng vô cùng xảo quyệt, thủ đoạn tinh vi, họ luôn tìm mọi cách để lẩn trốn, để ẩn mình, tránh xa những đầu mối mà chúng tôi có được. Do vậy, để phát hiện một tội phạm bị truy nã là vô cùng khó khăn, nguy hiểm”, Thiếu tá Nhân cho biết.


Nhiệm vụ phức tạp, không ít lần anh cùng đồng đội phải đặt mình vào những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Để tiến gần hơn đến mục tiêu, anh luôn luôn đặt mình vào những khó khăn nhất. Theo lời anh, những đêm thức trắng không ăn, không uống, vào Nam, ra Bắc liên tục, lúc ở thị thành khi nằm rừng, ngủ núi...là chuyện thường tình. Theo đó, khó nhất vẫn là việc làm sao để phát hiện ra tung tích của đối tượng bị truy nã. Sau khi có thông tin về đối tượng, anh cùng đồng đội phải cấp tốc lên đường xác minh, theo dõi. Những lúc như vậy, nhiều đêm anh không ngủ, ngày phải di chuyển hàng chục địa điểm trong những địa hình, thời tiết, hoàn cảnh khác nhau. Đó là chưa kể đến việc nhiều khi chưa kịp xác minh, theo dõi, đối tượng thấy động, “lẩn” mất và anh lại phải bắt đầu lại từ đầu.


Anh bảo ngoài việc phát hiện, xác minh, theo dõi đối tượng, trong sự nghiệp truy bắt những tên tội phạm bị truy nã, người chiến sĩ Công an thường xuyên phải đối diện với những phút giây sinh tử. “Luôn nuôi ảo vọng thoát thân, tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để trốn tội, những tên tội phạm bị truy nã trở nên vô cùng nguy hiểm. Đối đầu với các đối tượng này, ngoài mưu trí, chúng tôi còn phải vô cùng dũng cảm, can trường. Khi bị phát hiện, các đối tượng này thường hết sức manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt để trốn chạy. Do đó, nếu nghiệp vụ không vững, không mưu trí, không can đảm, không lên kế hoạch chi tiết, rất có thể không bắt được đối tượng mà còn đặt mình vào tình huống nguy hiểm”, Thiếu tá Nhân chia sẻ.


Quật ngã kẻ lẩn trốn


Đối đầu nhiệm vụ khó khăn nhưng nhiệt huyết cùng tinh thần ham học hỏi, sau nhiều năm công tác, Thiếu tá Nhân dần khắc phục, rút ra cho mình những kinh nghiệm lần tìm, quật ngã kẻ lẩn trốn.


Anh chia sẻ: “Tội phạm bị truy nã luôn tìm mọi cách trốn tránh, thay tên đổi họ, liên tục thay đổi nơi cư trú và cố gắng chăm chỉ lao động nhằm che giấu tội lỗi của mình. Nhưng họ vẫn luôn sống trong tâm trạng bất an, hoang mang, lo lắng, sợ bị mọi người cùng lực lượng chức năng phát hiện”. Những kinh nghiệm trên đã không ít lần giúp anh phát hiện, bắt thành công nhiều đối tượng trốn nã. Trong số các đối tượng bị anh cùng đồng đội “lột” vỏ bọc, “lôi” ra ánh sáng có những tên từng là tội phạm giết người, thành viên của những băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Chuyên án truy xét mang bí số 312C, bắt Dương Thanh Hoàng (thường gọi là Chuột) là một trong những minh chứng đầy thuyết phục.


Theo lời anh, Hoàng là đối tượng nguy hiểm, mắt xích quan trọng trong vụ án Hiếu “Sport”, băng nhóm có tổ chức hoạt động tại huyện Chợ Mới đã bị Công an tỉnh An Giang triệt phá. Sau khi bị triệt phá, Hoàng nằm trong danh sách 8 đối tượng bị truy nã. Thông qua mối quan hệ nhân thân, bạn bè các đối tượng, anh cùng đồng đội đi khắp nơi, truy tìm manh mối. Tuy nhiên, vốn tinh ranh, xảo quyệt, các đối tượng liên tục thay tên đổi họ, chỗ ở, xin vào làm thuê ở những địa phương xa xôi hẻo lánh, vùng biên giới... Hành động trên gây không ít khó khăn cho công tác truy lùng của Thiếu tá Nhân và đồng đội. Tuy nhiên, sau một thời gian, tổ công tác cũng phát hiện, bắt giữ 7 đồng bọn của Hoàng khi chúng lẩn trốn tại nhiều địa phương khác nhau.


Với cái đầu đầy mưu tính, được che đậy bởi những mối quan hệ xã hội phức tạp, Hoàng có điều kiện thực hiện các hoạt động che giấu tung tích. “Hoàng thực hiện nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, đánh lạc hướng điều tra như liên tục thay đổi chỗ ở, biến mình thành thành phần làm thuê hiền lành, ít học... Trong một thời gian dài, chúng tôi phải dầm mưa, dãi nắng đi khắp nơi để rà soát, xác minh theo dõi các mối quan hệ của Hoàng. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện Hoàng đang làm thuê tại xưởng gỗ thuộc thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”.


“Hắn khôn khéo chọn địa điểm này vì có diện tích khá rộng, xung quanh có nhiều rừng tràm, cao su che phủ. Chỉ cần một sơ hở nhỏ, hắn có thể sẽ thoát thân dễ dàng. Do đó, chúng tôi phải phối hợp với công an địa phương bao vây, phong tỏa toàn bộ khu vực và hóa trang thành lực lượng bảo vệ dân phố vào xí nghiệp gỗ kiểm tra tạm vắng, tạm trú. Chỉ trong nháy mắt, anh em áp sát, bắt gọn tên tội phạm nguy hiểm trong sự ngỡ ngàng của hắn”, Thiếu tá Nhân kể lại.


Nhiệt huyết, tinh thần không khoan nhượng với tội phạm bị truy nã đã giúp anh lần ra, bắt gọn những tên tội bị truy nã trước đó nhiều năm. Thậm chí, có đối tượng đã tạo cho mình vỏ bọc hiền lành, lương thiện hòng qua mắt người dân.


Đối tượng Nguyễn Thành Thi (thường gọi là Riềng, SN 1986, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã dùng vỏ bọc trên để ung dung sống ngoài vòng pháp luật trước khi bị anh cùng đồng đội vạch mặt, đưa ra ánh sáng. Theo hồ sơ, năm 2010, Thi dùng dao Thái Lan đâm nạn nhân Trần Hoàng Linh gây thương tật 54% rồi bỏ trốn. Gây án xong, Thi tìm đến vùng xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Lâm Đồng trong vỏ bọc anh làm thuê. Do chăm chỉ làm ăn, Thi được một gia đình địa phương cưu mang, gả con gái. Tuy nhiên, chỉ sau một năm lẩn trốn, Thi bị Thiếu tá Nhân bắt trong sự kinh ngạc của người vợ từng tin yêu hắn hết mực.


Chuyên án bắt thành công Nguyễn Văn Bình (SN 1982, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), kẻ xuống tay hạ sát nạn nhân Lê Hoàng Huy rồi lẩn trốn cũng minh chứng sự gan lỳ, mưu trí, quyết tâm săn lùng tội phạm trốn nã của Thiếu tá Nhân. Bình rất “cáo già” khi thay đổi chỗ ở liên tục, không cư trú nơi nào nhất định. Nhiệm vụ phát hiện, bắt giữ Bình trở nên khó khăn cho đến khi anh cùng đồng đội nhận định nhiều khả năng Bình lui tới thăm vợ đang làm thuê tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương. Đúng như dự đoán, ngày 6/10/2011, Bình thúc thủ, tra tay vào còng số 8.









Quyết liệt với tội phạm nhưng giản dị khi đời thường


Đại diện PC52 cho biết: “Đối với tội phạm đồng chí Nhân khôn khéo, mưu trí, quyết liệt đấu tranh. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, đồng chí sống rất giản dị, khiêm tốn, với đồng đội luôn hòa nhã, quan tâm, giúp đỡ mọi người, hết lòng vì tập thể. Vì thế, đồng chí được đồng đội tin yêu, nể trọng”.



Hà Nguyễn - Ngọc Lài



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP