Taxi hất công an lên nắp capo: Đánh tài xế là vi phạm pháp luật
Liên quan đến vụ việc tài xế taxi (hãng Taxi Group) “chở” công an trên nắp capo chạy trên phố, khi anh này đã dừng xe lại thì bị một số người dân quá khích đánh “hội đồng”. Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (có địa chỉ tại 197 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) phân tích:
Trường hợp gây thiệt hại cho người khác mà không vi phạm pháp luật
Pháp luật có những quy định về các trường hợp gây thiệt hại cho người khác mà không bị coi là vi phạm và không bị xử lý, chẳng hạn như gây thiệt hại trong "Tình thế cấp thiết".
"Tình thế cấp thiết" là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Nếu không kiềm chế sẽ phải gánh hậu quả pháp lý
Liên hệ với vụ việc người lái xe taxi hất một chiến sỹ cảnh sát trật tự lên nắp capo và cho xe chạy trong khi chiến sỹ cảnh sát vẫn nằm trên nắp xe, đây cũng có thể được coi là tình thế cấp thiết. Trong trường hợp này, người dân hoàn toàn có quyền sử dụng mọi biện pháp để buộc người lái taxi phải dừng xe, ví dụ như lao chướng ngại vật ra trước đầu xe, ném các vật dụng vào chiếc xe... Những việc làm này sẽ không bị pháp luật xử lý mặc dù nó gây thiệt hại cho tài sản của người lái xe bởi vì mục đích chính của những việc làm này là ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra cho chiến sỹ cảnh sát trật tự.
Hành vi của người lái xe taxi đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đánh tài xế khi chiếc xe đã được chặn lại và người chiến sỹ cảnh sát đã an toàn lại cũng là việc làm bị pháp luật nghiêm cấm.
Trên thực tế như chúng ta đã biết, rất nhiều người bị xét xử và chịu hình phạt nghiêm khắc về các tội "Giết người", "Cố ý gây thương tích" khi đánh người vi phạm pháp luật như trộm chó, ăn cắp và đặc biệt gần đây có những vụ án đánh người vi phạm luật giao thông xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh mà ở đó có mức án tới 12 năm tù đã được tuyên.
Ảnh chụp từ clip. (nguồn otofun)
“Như vậy, có thể thấy nếu chúng ta không biết kiềm chế bản thân thì đôi khi chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý rất lớn cho những sự việc chẳng liên quan gì đến bản thân.
Qua đó, một lần nữa lại thấy công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật của cơ quan chức năng tới người dân còn chưa được thực sự quan tâm, để rồi khi hậu quả xảy ra, toàn xã hội đều phải gánh chịu chứ không chỉ riêng mình ai”, luật sư Thanh nói.
Trước đó, chiều ngày 5/2, tài xế Nguyễn Thành Luân của hãng taxi Hà Nội (thuộc Taxi Group) đi vào một tuyến phố cấm xe ô tô thuộc địa bàn phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi bị cảnh sát trật tự ra hiệu dừng xe, tài xế này đã bỏ chạy. Chiến sĩ cảnh sát đã nhảy lên nắp capo để yêu cầu người này dừng xe. Khi tài xế dừng xe, một vài người dân có mặt tại đó đã có hành vi đánh tài xế.
Một vài người chứng kiến vụ việc bày tỏ, có thể do tài xế này mới lái xe nên luống cuống, đi vào đường cấm, thấy công an đã không giữ được bình tĩnh nên mới để xảy ra sự việc trên.
Tài xế taxi hất công an lên nắp capo bị đánh hội đồng
Đức Thuận
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn