Đề xuất phạt tù lái xe say xỉn là biện pháp tối ưu nhất?
Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM về đề xuất phạt tù tài xế say xỉn khi lái xe.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Giao thông, góp ý việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).
Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ thì những tài xế lái xe khi say xỉn có thể bị phạt tù.
Tổng cục Đường bộ cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước. Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị khởi tố hình sự và hình phạt tù.
Nhận định về đề xuất này, luật sư Hưng cho biết: "Khác với kiến nghị tịch thu phương tiện đối với tài xế say rượu trước đó thì tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này này. Đây có thể sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, để hạn chế tai nạn giao thông từ bia rượu và thông qua đó hi vọng sẽ thay đổi ý thức, thói quen sử dụng bia rượu đáng báo động hiện nay.
Ở góc độ pháp lý, nội dung kiến nghị không gặp phải rào cản nào. Nếu được thông qua, thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS là được. Tôi nghĩ kiến nghị rất phù hợp với tình hình giao thông nước ta hiện nay và hi vọng dư luận sẽ ủng hộ. Trước đây, nhiều giải pháp đã đưa ra, nhưng chưa có giải pháp nào hiệu quả. Do đó, một giải pháp mạnh tay như kiến nghị này là cần thiết."
Xem thêm:
Tp.HCM: Kiểm tra nồng độ cồn lái xe theo tiêu chuẩn quốc tế
Cũng đồng tình với quan điểm này, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, Văn phòng luật sư Việt Kim, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay: "Với đề xuất phạt tù cho người say rượu lái xe thì theo tôi đây cũng là một biện pháp khá tối ưu và có tính phù hợp hơn so với đề xuất tịch thu phương tiện.
Luật sư Đĩnh lý giải, biện pháp này cũng có tác dụng răn đe người vi phạm không kém bất cứ một biện pháp xử lý nào. Nó có tính răn đe rõ ràng hơn và mạnh hơn so với các biện pháp hành chính thông thường, bởi xét dưới khía cạnh luật học, thì các biện pháp xử lý hình sự luôn là chế tài nặng nhất đối với người vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, biện pháp này là biện pháp xử lý trực tiếp người vi phạm, nó khác hoàn toàn với việc tịch thu xe là việc tịch thu xe chỉ là xử lý gián tiếp người vi phạm, trong khi còn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ 3 khi phương tiện bị tịch thu không phải của người điều khiển phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, cũng sẽ hạn chế nguy cơ bị lạm quyền, tham nhũng bởi mối liên hệ trực tiếp với tài sản và vấn đề tài chính của người vi phạm."
Thùy Dung
www.nguoiduatin.vn