Vụ án oan ông Chấn: Bố nuôi nói sát thủ Chung có đồng phạm?
Điểm lạ tại hiện trường
Chia sẻ tin tức trên báo Dân Việt ngày 11/3, luật sư Giáp Văn Điệp (Đoàn luật sư Bắc Giang), bào chữa cho gia đình bị hại, cho biết: Nội dung mà tòa yêu cầu điều tra bổ sung cũng chính là vấn đề luật sư cũng như đại diện bị hại đã đề nghị trong phần tranh luận. Thời điểm năm 2003, Lý Nguyễn Chung chỉ là đứa trẻ 14 tuổi 7 tháng 25 ngày, tầm vóc thấp bé hơn nạn nhân, tại sao có thể ra tay một cách dễ dàng như bị cáo mô tả.
Cũng theo luật sư Điệp, việc đặt nghi vấn có hay không đồng phạm với Lý Nguyễn Chung khi sát hại chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản thể hiện qua những vấn đề khúc mắc trong vụ án.
Thứ nhất, qua dấu vết ở hiện trường, nếu như một mình Lý Nguyễn Chung gây án thì hiện trường sẽ để lại dấu vết của hung thủ này. Theo khám nghiệm trên người của bị cáo Chung có 2 vết sẹo ở tay, bị cáo khai đó là vết dao tự đâm vào tay mình trong lúc sát hại chị Hoan, nhưng hiện trường lại không thấy vết máu của hung thủ này để lại.
“Khi Chung sát hại xong chị Hoan thì đối tượng tháo 2 chiếc nhẫn vàng của nạn nhân, rồi mở tủ kính lấy 59.000 đồng mà không để lại dấu vết gì. Nếu bàn tay mà dính máu thì động bất cứ thứ gì cũng để lại dấu vết” - luật sư Điệp nói.
Một vấn đề nữa được luật sư Điệp đặt ra, ở hiện trường vụ án, trên then cửa hậu nhà nạn nhân Hoan có vết màu nâu giống vết máu. Trên công tắc điện cũng có dấu vết nghi là vết máu đã được chụp lại hiện trường. Cửa chính nhà chị Hoan là cửa sắt kéo, bị cáo Chung khai đã đóng lại sau khi gây án nhưng trên cửa lại không để lấy dấu vết.
Vấn đề thứ hai, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã dùng dấu vết vân chân thu tại hiện trường để đối chiếu với dấu vân chân của Chung bây giờ, nhưng việc thu thập dấu vết trên hiện trường này lại không được thu thập theo quy định pháp luật nên không được coi là chứng cứ. “Tài liệu mà Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã dùng là tài liệu Công an tỉnh Bắc Giang đã loại trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Giờ nó lại dùng làm chứng cứ truy nguyên - coi là tài liệu gốc - xác định Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người và để lại dấu vết trên hiện trường là không khách quan” - luật sư Điệp nêu quan điểm.
Một nghi vấn cần được làm rõ là trong hồ sơ vụ án của Lý Nguyễn Chung nằm ở bút lục 179, 180.
Trong bút lục này điều tra viên có hỏi ông Văn Công An - Trưởng thôn Đoàn Kết, xã Eaka Mút, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk - nơi Lý Nguyễn Chung sau khi gây án vào sinh sống, ông An nói biết Chung đến địa phương này vào khoảng năm 2004. Khi đến đây Chung nhận ông Nguyễn Văn A (tức Sự) làm bố nuôi và nhập hộ khẩu theo nhà ông này.
Ông Văn Công An cho biết thêm, khi ông gặp ông Sự, ông Sự có nói vào năm 2003 Chung có cùng ai đó thực hiện hành vi phạm tội giết người nhưng không bị phát hiện nên bỏ trốn vào thôn Đoàn Kết. Việc bố nuôi của Chung nói như vậy có phải do được Chung kể lại hay thông tin xuất phát từ đâu, là vấn đề chưa được làm rõ.
Điểm khác, theo lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn An, khi anh này đi qua nhà chị Hoan (thời điểm nạn nhân bị sát hại) thì thấy người đàn ông khoảng 1,6 - 1,7m đang đánh người phụ nữ, trong khi Lý Nguyễn Chung khai thấp hơn nạn nhân (nạn nhân Hoan cao khoảng 1,52m).
Nghi có đồng phạm, tòa yêu cầu điều tra lại
Trước đó, sáng 9/3, TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án Lý Nguyễn Chung – hung thủ đích thực trong án oan Nguyễn Thanh Chấn ra xét xử ngày thứ 2.
Sau giờ nghị án, HĐXX xét thấy, trong vụ án này còn có một số tình tiết chưa làm rõ, đặc biệt việc Chung gây án còn có đồng phạm hay không. Do đó, chủ tọa Ngô Quang Dũng quyết định trả hồ sơ. điều tra bổ sung.
Theo VOV , tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung sáng 9/3, bà Hoàng Thị Hội - đại diện bên bị hại vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, vụ án này không chỉ mình Lý Nguyễn Chung là tội phạm duy nhất. Theo đó, bà Hội đã đề nghị HĐXX xem xét trả lại hồ sơ để điều tra lại xem, ngoài bị cáo Lý Nguyễn Chung thì vụ án này có thêm đồng phạm khác không?
Theo báo Dân Trí, quá trình tranh tụng tại Tòa, Luật sư Giáp Văn Điệp, luật sư bào chữa cho đại diện gia đình nạn nhân cho rằng, đối với những tài liệu chứng cứ Lý Nguyễn Chung phạm tội chủ yếu dựa vào những lời khai, lời luận tội của những người làm chứng, đó là gián tiếp. Vấn đề cần phải làm rõ việc có đồng phạm trong vụ án hay không. Bởi việc một trẻ em thực hiện hành vi sát hại đối với người trưởng thành là vô lý.
Luật sư Điệp đề nghị HĐXX trả hồ sơ bổ sung để điều tra lại và xem xét việc có bỏ lọt đồng phạm hay không.
Sau gần 2 giờ đồng hồ tiến hành nghị án, vào lúc 10h30 sáng nay, chủ tọa Ngô Quang Dũng đã thay mặt HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chính thức tuyên trả lại hồ sơ vụ án để điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án và làm rõ việc Lý Nguyễn Chung, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, có thêm sự trợ giúp của đồng phạm khác hay không.
Trước đó, trong lời nói sau cùng, Lý Nguyễn Chung gửi lời xin lỗi đến bà Hoàng Thị Hội – mẹ của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan; Gửi lời xin lỗi đến hai con của chị Hoan là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Tiến…
Lý Nguyễn Chung cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội trở về làm lại cuộc đời. Chung cũng mong HĐXX xem xét việc được thi hành án ở Đắc Lắc để gần vợ con, được vợ con chăm sóc trong thời gian ngồi tù.
Trước phiên tòa sáng hôm nay, Chung cũng được phép nói chuyện với gia đình. Chung nói với ông Lý Văn Chúc – bố đẻ của bị cáo rằng, khoảng 2-3 năm sau khi thi hành án, Chung đề nghị ông Chúc bán căn nhà hai vợ chồng đang ở trong Đắc Lắc để bồi thường cho gia đình. Tuy nhiên ông Chúc không đồng ý và cho rằng, nếu bán nhà, vợ con của Chung sẽ không có nơi ở. Bị cáo Chung nhờ nhắn bảo mẹ con về bên ngoại ở tạm, đợi khi ra tù, Chung sẽ làm kinh tế để bù đắp.
Hai bố con Lý Nguyễn Chung tranh thủ trao đổi trong giờ nghị án - Ảnh: Báo Vnexpress
Tại phiên xử ngày 6/3, Lý Nguyễn Chung tường thuật lại một cách khá chi tiết hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản vào năm 2003.
Sau khi gây án, Chung lên về Lạng Sơn. Tại đây, Chung kể lại sự việc cho anh trai và chị gái nghe. Sau khi hay sự việc, anh trai Chung là Lý Văn Phúc đã cho Chung địa chỉ người thân ở Đắc Lắc để trốn.
4 ngày sau, Chung quay lại Lạng Sơn, với ý định đầu thú nhưng Lý Văn Phúc không đồng tình và tiếp tục vào Đắc Lắc lẩn trốn đến khi bị bắt.
Khai về lý do mãi đến 10 năm sau mới ra đầu thú, Chung kể, năm 2004, ông Lý Văn Chúc - bố của Lý Nguyễn Chung vào Đắc Lắc thăm và dặn dò: “Cứ yên tâm, mọi chuyện ở nhà vẫn bình thường”.
Một năm sau, khi anh trai của Chung là Lý Văn Phúc mất, Chung về quê chịu tang.
Tại đây, mẹ kế của Chung là bà Nguyễn Thị Lành nói rằng, cơ quan điều tra đã bắt ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết chị Hoan, “Mày cứ yên ổn trong đó mà làm ăn”.
Tháng 7/2013, biết tin vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan được điều tra lại, Chung lo lắng và trốn sang Trung Quốc. Chung khai, do thời điểm đó, bị cáo rất hoảng loạn.
Nói về hành vi giết người, cướp tài sản, Chung nói rằng: “Bị cáo không hiểu vì lý do gì, có thể do lòng tham. Bị cáo không cần tiền để làm gì cả”, Chung khai.
Suy nghĩ về hành vi của mình, Chung nói rằng, là không thể tha thứ được, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Theon báo Pháp Luật TP,HCM, Bà Hoàng Thị Hội (mẹ ruột chị Hoan) khai đến thời điểm này gia đình bà vẫn chưa nhận một đồng bồi thường nào từ gia đình ông Chúc. Bà Hội yêu cầu gia đình hung thủ phải bồi thường 100 triệu đồng.
Mỗi lần nhắc về con gái bị chết oan với nhiều vết thương trên người, bà Hội đều khóc. Chủ tọa phải dừng lại nói lời an ủi và chia sẻ những mất mát đối với gia đình bà. Bà đề nghị xử Chung theo quy định của pháp luật. Con trai chị Hoan thì đề nghị bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình 70 triệu đồng, cấp dưỡng mỗi tháng 2 triệu đồng.
Tòa giải thích cho ông Lý Văn Chúc, cha bị cáo Chung, biết do khi gây án Chung chưa đủ 15 tuổi nên ông phải bồi thường thay cho con. Trong phần trả lời, ông Chúc cho biết gia đình ông chỉ có một căn nhà cấp bốn với vài sào ruộng, ông sẽ bán để bồi thường. “Bây giờ phải giải quyết theo pháp luật, có chừng nào thì bồi thường chừng ấy. Tôi cũng đã 65 tuổi rồi” - ông Chúc nói. Tòa hỏi thời gian qua sao không chủ động khắc phục hậu quả, ông Chúc trả lời: “Tôi vẫn chờ tòa thôi, 10 triệu, 20 triệu cũng khó”.
Trong phần luận tội, đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng hành vi của bị cáo trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác, quyết tâm giết người đến cùng trong khi chị Hoan nuôi con nhỏ mới hơn 1 tuổi. Viện đề nghị xử phạt Chung 12 năm tù về tội giết người, 2-3 năm tù về tội cướp tài sản. Do khi phạm tội bị cáo chưa đủ 16 tuổi nên viện đề nghị hình phạt chung mà bị cáo phải chịu là 12 năm tù.
Về phần dân sự, viện đề nghị tòa buộc ông Chúc phải bồi thường 79 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi con chị Hoan 1,2-1,5 triệu đồng/tháng cho đến khi con chị Hoan đủ 18 tuổi.
Tranh luận, luật sư của Chung cho rằng bị cáo mất mẹ từ lúc ba tuổi, không có được sự yêu thương bình thường như mọi người. Bị cáo bỏ học khi mới lớp 6, lên 11 tuổi đã phải đi làm thuê, không được như những người bạn cùng trang lứa. Khi gây án, Chung mới chỉ hơn 14 tuổi, khả năng nhận thức còn non nớt. Luật sư đề nghị tòa xử bị cáo với mức án thấp nhất và cho bị cáo chấp hành án phạt tù tại Đắk Lắk để gần vợ và con.
Tranh luận lại, công tố viên giữ nguyên quan điểm.
Tự bào chữa, bị cáo Lý Nguyễn Chung nói: “Bị cáo luôn luôn suy nghĩ về việc mình gây ra thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bị cáo không có tranh luận, bào chữa cho mình”.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 19h30 ngày 15/8/2003, Chung đến cửa hàng của người hàng xóm là chị Hoan (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt nên rút con dao bấm mới mua gây án. Khi nạn nhân tử vong do bị đâm nhiều nhát, Chung lấy đi 59.000 đồng cùng hai chiếc nhẫn. Bị cáo còn tắt đèn và đóng cửa trước khi bỏ đi để mọi người không phát hiện.
Tối hôm đó, nghe hàng xóm náo loạn về tin chị Hoan bị giết, nhìn thấy quần áo con vừa thay ngâm trong chậu, ông Lý Văn Chúc (bố đẻ Chung) đoán được sự việc nên bảo con trốn lên Lạng Sơn. Chung nghe theo và kể sự việc cho anh trai là Lý Văn Phúc biết và được bố trí vào Đăk Lăk sống cùng.
Công an huyện Việt Yên cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn (cùng trú thôn Me) là thủ phạm nên bắt giam. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đều xác định ông Chấn có tội, tuyên án tù chung thân về tội Giết người. Ngày 25/10/2013, ông Chấn được "giải oan" khi Chung ra đầu thú.
Cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại dải đất biên cương
Kim Thành (Tổng hợp)
www.nguoiduatin.vn