Chủ nhà nghỉ quay lén khách mua dâm rồi tố cáo có phạm luật?
Mới đây, tin tức trên báo Pháp luật TP HCM cho biết, ông Triệu Đức N. (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã có đơn tố cáo lên cơ quan chức năng về clip mua dâm của một vị cán bộ TAND huyện này là ông N.V.B.
Theo đơn tố cáo của ông N., từ năm 2008 đến năm 2011, ông B. nhiều lần vào nhà nghỉ do vợ ông làm chủ để mua dâm, một trong những lần đó vợ ông N. đã quay lại được một clip dài 35 phút.
Năm 2011, vợ ông N. bị bắt và bị xử 5 năm tù về tội chứa mại dâm. Vì vụ án này, ông N. đã bán nhà nghỉ và bỏ ra 200 triệu đồng để “chạy án” cho vợ.
Ảnh minh họa.
Ông B. nằm trong số người được ông N. đưa tiền “chạy án”, tuy nhiên vợ ông vẫn không thể thoát tội và ông nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được. Mới đây, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, ông N. vô tình tìm được băng quay lại clip mua dâm của ông B. tại nhà nghỉ nên đã làm đơn tố cáo với mục đích đòi lại số tiền “chạy án”.
Trước thông tin về vụ việc này, vấn đề đang được dư luận quan tâm là hành vi đặt camera quay lén khách của chủ nhà nghỉ có phạm luật?.
Để làm rõ vấn đề này, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hoài Nam - Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn, Đoàn luật sư TP. HCM.
Theo luật sư Nam, chưa xét đến yếu tố người bị quay lén là ai nhưng hành vi tự ý lắp đặt camera ghi lại mọi hoạt động trong phòng tại nhà nghỉ của nhiều khách thuê phòng là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 31 và Điều 38 Bộ luật Dân sự.
Mặt khác, các quy định về hoạt động kinh doanh nhà nghỉ và khách sạn hiện nay chỉ cho phép người chủ lắp đặt hệ thống camera ở khu vực hành lang lối đi, thang máy, phòng ăn, phòng khách, quầy lễ tân... với mục đích để quản lý, theo dõi tình hình an ninh, trật tự, kiểm soát và bảo vệ khách hàng trong trường hợp cần thiết.
Vì vậy, việc lắp đặt máy ghi hình, ghi âm ở những nơi riêng tư như trong phòng ngủ, nhà vệ sinh của khách sạn, nhà nghỉ là vi phạm về quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư của công dân mà pháp luật bảo vệ.
Trong trường hợp này nếu người bị xâm phạm về hình ảnh và bí mật đời tư có yêu cầu khởi kiện thì chủ nhà nghỉ sẽ phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611 và Điều 307 Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, nếu chủ nhà nghỉ, khách sạn có hành vi phát tán hình ảnh hoặc clip riêng tư của khách thuê phòng thì tuỳ mục đích và động cơ phạm tội mà cơ quan Công an có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo các tội danh: Điều 226 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; Điều 121 Tội làm nhục người khác; Điều 253 Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ; hoặc Điều 135 Tội cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, ông N. dùng clip này để tố cáo thì sẽ không bị xử lý hình sự, vì căn cứ Điều 9 Luật tố cáo 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo thì việc ông Nhật dùng clip để tố cáo hành vi sai phạm trong công tác hoặc vi phạm pháp luật của cán bộ nhà nước là có cơ sở xem xét và được pháp luật bảo vệ.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh sự thật của clip này để làm căn cứ quyết định việc giải quyết tiếp theo.
Theo thông tin mà báo chí nêu thì ông N. sử dụng clip nhảy cảm tố cáo chỉ nhằm mục đích đòi lại tiền đã bỏ ra để chạy án cho vợ thì dấu hiệu hình sự về hành vi xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và uy tín của người bị tố cáo là không có cơ sở để được pháp luật bảo vệ nếu hành vi của vị cán bộ này là mua dâm hoặc quan hệ bất chính...
Xem thêm video:
Nữ sinh sát hại cán bộ huyện trong nhà nghỉ.
Hơn thế nữa, với tư cách là công dân thì ông N. có quyền tố cáo khi thấy cán bộ nhà nước vi phạm tư cách đạo đức, từ đó cơ quan quản lý xem xét trách nhiệm cán bộ của mình để xử lý.
Ngoài ra, theo luật sư Nam, từ việc tố cáo của ông N. thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ có hay không việc đưa và nhận hối lộ giữa những người có liên quan về số tiền 200 triệu chạy tội cho vợ ông Nhật để xử lý theo quy định pháp luật.
Thùy Dung
www.nguoiduatin.vn