Dùng nhục hình với nghi phạm, nguyên cán bộ điều tra lĩnh án tù
Dùng nhục hình để “nói chuyện” trong điều tra
Chiều 1/4, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa có kết luận điều tra vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sóc Trăng, đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 285 và Điều 298 Bộ luật Hình sự đối với ba bị can, nguyên điều tra viên và kiểm sát viên tại Sóc Trăng.
Tuy nhiên, hai nguyên điều tra viên không thừa nhận hành vi dùng nhục hình. Một nguyên kiểm sát viên thì cho rằng, đề nghị truy tố như vậy là... quá nặng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977, nguyên Thiếu tá, cựu điều tra viên) và ông Triệu Tuấn Hưng (SN 1981, nguyên Đại úy) cùng bị đề nghị truy tố tội “dùng nhục hình” với mức án từ 2-7 năm tù giam, theo Điều 298 Bộ luật Hình sự. Cả hai cán bộ này đều là Đội trưởng và Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân thuộc phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng.
Nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Núi (SN 1958) bị đề nghị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng” ở khung hình phạt từ 3-12 năm tù, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Trong đó, Quân và Hưng bị xác định đã điều tra thiếu khoa học, khách quan, "do nôn nóng phá án nên có hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong hoạt động điều tra", sử dụng còng số 8 treo hai tay các nghi can vào khung sắt cửa sổ phòng làm việc, rồi dùng tay, chân đấm đá, lên gối vào bụng.
Ngoài ra, hai cảnh sát này còn túm tóc, tát, dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần vào người các nghi can, khiến những thanh niên không phạm tội phải khai nhận đã giết nạn nhân D..
Liên quan đến việc oan sai này, phải kể đến những thiếu sót nghiêm trọng của nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi. Đây là người được phân công thụ lý vụ án ngay từ giai đoạn khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhưng ông Núi đã không làm đúng trách nhiệm theo quy định, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để phát hiện các mâu thuẫn trong tài liệu, chứng cứ đã thu thập rồi yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ nhằm xác định thời gian chết, cơ chế hình thành dấu vết kịp thời.
Khi những nghi can không nhận tội và khai báo chứng cứ ngoại phạm, nhưng ông Núi vẫn không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự thật mà lại đề xuất với lãnh đạo phê chuẩn quyết định khởi tố và lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam bảy người vô tội.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 6/7/2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) người dân đi làm đồng phát hiện thi thể của một người đàn ông trung niên chết chưa rõ nguyên nhân.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, danh tính của nạn nhân được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng xác định là tài xế xe ôm Lý Văn D. (SN 1970, trú thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề). Từ những dấu vết thu thập được tại hiện trường, dấu vết trên người nạn nhân có nhiều vết đâm ở vùng ngực và đỉnh đầu, Cơ quan điều tra nhận định có dấu hiệu án mạng.
“Bằng biện pháp nghiệp vụ”, bốn ngày sau đó (ngày 10/7/2013), Cơ quan điều tra đã triệu tập, lưu giữ, ra lệnh bắt khẩn cấp lần lượt bảy nghi can gồm: Trần Hol (SN 1986, ngụ ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách (SN 1989), Thạch Mươl, Khâu Sóc (đều trú tại xã Đại Ân 2) và Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên phục vụ quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, quê tỉnh Hậu Giang) để điều tra.
Thạch Sô Phách, một trong những người bị bắt oan trong vụ án kể lại việc bị điều tra viên nhục hình.
Hung thủ gây án đầu thú mới phát hiện sai phạm(?!)
Trên cơ sở lời khai cá nhân, Cơ quan điều tra đã lập biên bản “tự thú” đối với Thạch Sô Phách và Nguyễn Thị Bé Diễm, ra lệnh bắt khẩn cấp Khâu Sóc, Trần Cua, Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ. Nghi can Diễm là nữ duy nhất trong vụ án này bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”, 6 người còn lại bị khởi tố về tội giết người.
Video xem thêm:
'Trong một số vụ án hình sự có dùng nhục hình'
Vụ án tưởng chừng khép lại, bất ngờ ngày 18 và ngày 21/11/2013, hung thủ trực tiếp gây án là Lê Mỹ Duyên (SN 28/4/2000, trú tại 55/5/7A Cô Giang, phường Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) và người tình đồng tính Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 11/01/1998, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) đã đến Công an xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM đầu thú và khai nhận là người trực tiếp sát hại nạn nhân Lý Văn D. để cướp tài sản vào đêm 5/7/2013.
Lời khai của hai nữ “sát thủ” đồng tính trên rất trùng khớp với tình tiết vụ án, phù hợp với kết quả điều tra. Hung khí gây án cũng được ngành chức năng trục vớt tại một mương nước gần hiện trường.
Đến ngày 25/2/2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” cho bảy bị can trong vụ “giết người” do Huỳnh Thế Đức – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sóc Trăng ký. Ngày 21/5/2014 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Ngày 23 đến ngày 26/5, tống đạt quyết định cho các bị can. Qua xác minh tố cáo của bảy người về việc bị bức cung nhục hình, ép nhận tội giết người khi họ không gây án dẫn đến oan sai là nghiêm trọng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngày 6/8/2014, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án “dùng nhục hình, bức cung và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bắt giam đối với bị can Hưng, Quân. Riêng bị can Núi được ngành chức năng cho tại ngoại.
Do bị truy tố, bắt tạm giam oan sai, bảy “ông Chấn miền Tây” đã nhận được tiền bồi thường thiệt hại, danh dự và ngày công lao động tại VKSND tỉnh Sóc Trăng vào ngày 14 và 15/1/2015. Theo đó, Khâu Sóc và Trần Cua, mỗi người nhận được gần 73 triệu đồng tiền bồi thường do oan sai; Trần Hol, Trần Văn Đỡ và Thạch Sô Phách, mỗi người nhận được gần 75 triệu đồng; Thạch Mươl, Nguyễn Thị Bé Diễm, mỗi người nhận hơn 66 triệu đồng.
Tổng số tiền bồi thường cho cả bảy người oan sai gần nửa tỉ đồng (trước đó mỗi người đã nhận số tiền tạm ứng là 20 triệu đồng). Ngày 5/6/2014, Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã kỷ luật giáng chức, hạ cấp bậc hàm và khiển trách 25 cán bộ, chiến sỹ, có cả lãnh đạo chủ chốt.
Có mặt tại vùng quê nghèo vào chiều 1/4/2015, nơi những nghi can từng bị oan sai gây sốc dư luận, PV nhận thấy sự vui mừng, sung sướng hiện hữu trên từng nét mặt của người dân nơi đây, họ luôn tin vào công lý, tin vào sự công tâm của pháp luật.
Trần Hol cho biết: “Giờ tinh thần tôi thoải mái hơn nhiều, số tiền bồi thường tôi sẽ dùng để sửa lại căn nhà dột nát và trị bệnh cho bản thân, khoản còn lại sẽ đi học lái ô tô”. Còn Thạch Sô Phách thì tâm sự rằng, số tiền bồi thường không thấm vào đâu so với thương tích đầy người, gia đình ly tán.
Chưa đủ căn cứ kết luận nhục hình Trong quá trình điều tra vụ “bức cung nhục hình”, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định, ông Quân và ông Hưng đã dùng nhục hình với các anh Đỡ, Phách và Sóc. Với những người tố cáo còn lại, lực lượng chức năng chưa đủ căn cứ kết luận. Giúp người oan sai sớm ổn định cuộc sống Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện chính quyền địa phương xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề cho biết: “Chúng tôi sẽ tích cực kết hợp với đoàn thể nhằm vận động tuyên truyền, giúp những người oan sai vừa nhận được tiền bồi thường biết sử dụng tiền đúng mục đích. Đồng thời, chúng tôi cũng định hướng cho họ có việc làm phù hợp nhằm sớm ổn định cuộc sống, bởi tất cả những người này đều là hộ nghèo tại địa phương”. |
Thanh Lâm
www.nguoiduatin.vn