Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đề xuất bỏ tử hình với 7/22 tội danh


Thảo luận tại phiên họp sáng nay, về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội đồng tình việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp.


Dân trí dẫn nhận định của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội về tham nhũng, chức vụ cho hay, hiện nay nhà nước đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng.


Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.


Với tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ luật Hình sự hiện hành) các cơ quan lại thống nhất quan điểm bỏ.


Đề xuất bỏ tử hình với 7/22 tội danh - Ảnh 1


Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Ảnh Thanh niên.


Thanh niên dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đa số ý kiến trong UB tán thành với đề xuất bỏ tội danh này và cho rằng, theo tinh thần Hiến pháp 2013, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm, cá nhân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Theo nguyên tắc đó, các hành vi được coi là tội phạm (bị cấm) trong lĩnh vực quản lý kinh tế cần được xác định rõ, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.


Liên quan quy định về việc chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù, ông Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành và cho rằng, quy định chuyển đổi hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi.


Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù là chuyển sang một loại hình phạt khác nặng hơn nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa dự kiến được tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Khi chuyển đổi phạt tiền thành phạt tù thì cơ quan nào có thẩm quyền chuyển đổi? Trình tự, thủ tục ra sao?


PV





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP