Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đoạn trường của nhà báo khi nhập cuộc tìm hiểu về kỳ án oan


Tuy nhiên, để biết được thông tin này cũng như tìm được địa chỉ nhà cụ Cù Văn Tiện (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phú cũ), hiện trú tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ không hề đơn giản. Sau rất nhiều ngày “cày xới” ở địa bàn tỉnh Phú Thọ, cuối cùng, PV đã tìm được nhà cụ Tiện.


Vụ án xưa qua lời kể của cựu điều tra viên


Căn nhà ngói đỏ 3 gian của gia đình cụ Tiện nằm lọt thỏm trên vùng đồi đất đỏ ba zan, xung quanh cây cối mọc um tùm. Thấy khách lạ, đàn chó xông ra sủa ầm ĩ. Một ông già râu tóc bạc phơ, mặc bộ sắc phục công an đã ngả màu với thời gian, chậm chạp đi ra đầu ngõ đón chúng tôi. Tôi đoán ngay đó là cụ Tiện.


Vị cán bộ điều tra năm xưa giờ đã già, móm mém chào khách bằng nụ cười đôn hậu. Sự nồng hậu của cụ khiến mọi vất vả, mệt nhọc của chúng tôi như tan biến hết.


Đoạn trường của nhà báo khi nhập cuộc tìm hiểu về kỳ án oan - Ảnh 1


PV trò chuyện với cụ Tiện về kỳ án của ông Thêm. (Ảnh T.Long)


Ở tuổi 85, cụ Cù Văn Tiện trông còn hom hem hơn cả cụ Trần Văn Thêm, nhân vật chính trong loạt bài điều tra này. “Tôi ốm quá, mắt nhìn mờ lắm, răng rụng gần hết rồi” - cụ Tiện mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng thều thào, ngắt quãng.


Từng được xem là khắc tinh của bọn tội phạm trong suốt mấy chục năm công tác, khi về già, cụ Tiện vẫn giữ được phong thái bộc trực của người chiến sỹ công an nhân dân.


Cụ kể: “Năm 1973, khi tôi về Công an tỉnh Vĩnh Phú giữ chức Phó Trưởng phòng Hình sự thì vụ án Trần Văn Thêm đã khép lại rồi. Anh em quản giáo trong trại giam Phủ Đức cho tôi biết, tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan, thậm chí còn dùng máu viết đơn kêu oan lên cả chăn, màn trong trại giam.


Cùng thời gian này, ban Giám thị trại giam ở Phố Lu (bộ Công an), nay thuộc tỉnh Lào Cai có văn bản gửi cho Công an tỉnh Vĩnh Phú, phản ánh việc một tù nhân tên Phùng Thanh Nhàn (ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) có tâm sự với bạn tù chuyện mình đã từng gây ra vụ cướp vào đêm 23/7/1970 ở cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương.


Người bạn tù này đã báo lại sự việc cho ban Giám thị trại giam. Sau khi nhận được văn bản của ban Giám thị trại giam ở Phố Lu, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phú gọi tôi lên và giao nhiệm vụ đi xác minh sự việc này”.


Cụ Tiện kể tiếp: “Sáng hôm sau, tôi và một đồng chí đi xe xít-đờ-ca lên Phố Lu. Giám thị Nguyễn Văn Toán tiếp chúng tôi rất thân mật. Buổi chiều, khi làm việc với Phùng Thanh Nhàn, tôi hỏi: “Nhàn có nhớ nhà không?”- Nhàn đáp: “Có”.


Sau đó, Nhàn tự kể rành rọt chuyện đánh 2 người ở cầu Diện như sau: “Lúc đó, họ đang ngủ, cháu đánh vào đầu một người, thấy người kia tỉnh dậy, cháu đánh luôn vào đầu. Mục đích là để lấy chiếc xe đạp của họ”. Tôi hỏi: “Nhàn đánh ông V. bằng cái gì?” - Nhàn trả lời: “Bằng cái búa bổ củi””.


Nghe Phùng Thanh Nhàn nói đã dùng búa bổ củi để đánh người, vị Phó Trưởng phòng Hình sự liên tưởng ngay đến nội dung bản án nói Trần Văn Thêm đã dùng cọc xe thồ đánh chết ông V..


Trở về Công an tỉnh Vĩnh Phú, cụ Tiện báo cáo lại toàn bộ nội dung buổi làm việc với phạm nhân Phùng Thanh Nhàn. Được sự đồng ý của cấp trên cho phép lật lại vụ án giết người, cướp của xảy ra tại huyện Tam Dương, cụ Tiện hăm hở về bộ Công an, xin bộ hỗ trợ xác định nạn nhân V.. chết do bị đánh bằng hung khí gì?


Kể lại chuyên án năm xưa, cụ Tiện cho chúng tôi biết: “Khi cơ quan Công an đề nghị gia đình nạn nhân cho khai quật mộ ông V., vợ nạn nhân đã khóc và từ chối. Thuyết phục mãi, cuối cùng, gia đình nạn nhân mới đồng ý”.


Cụ Tiện kể tiếp: “Sau khi dựng lại hiện trường, các cán bộ điều tra cho Phùng Thanh Nhàn diễn tả lại hành vi đánh chết người trước sự chứng kiến của đại diện VKSND, TAND tỉnh Vĩnh Phú. Nhàn diễn tả thành thục và trả lời trôi chảy các câu hỏi của đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng có mặt buổi thực nghiệm hiện trường hôm đó. Nhàn không chối tội mà thú nhận mình đã giết người”.


Kể đến đây, cụ Tiện ho sù sụ, nước mắt giàn giụa. Không gian im ắng có thể nghe rõ tiếng chim hót trong vườn.


Cụ Tiện phân tích, lời khai của Nhàn hoàn toàn phù hợp với diễn biến vụ án. Lều cắt tóc chỉ cao độ 1,8m, chiếc cọc xe thồ dài khoảng 1,2m. Chiếc cọc thì dài, hung thủ giơ lên đánh từ trên xuống sẽ chạm mái lều, làm thủng mái. Nếu vụt nghiêng thì sẽ bị vướng.


Hơn nữa, vết thương trên đầu nạn nhân không phải hình dẹt (vết thương thông thường do gậy gây ra) mà là rạn, nứt kiểu chân chim. Qua buổi thực nghiệm hiện trường, không chỉ cụ Tiện mà nhiều người nghĩ rằng vũ khí gây ra cái chết cho nạn nhân chính là cái búa, không phải là chiếc cọc xe thồ như nhận định ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phú.


Ngay cả vết thương trên đầu ông Trần Văn Thêm cũng rất nặng, theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý thời bấy giờ, không thể do ông này tự dùng cọc xe thồ gây ra như bản án quy kết.


Theo lời kể của cụ Tiện, một ngày giáp Tết năm 1975, sau khi được tha tù, cụ Trần Văn Thêm có đến gặp cụ để chào tạm biệt. “Tôi hỏi ông Thêm đã ăn gì chưa?”, ông Thêm nói “con ăn rồi”, nói xong cứ quỳ xuống đất, lạy tôi vì đã cứu sống ông ấy. Tôi nói, đây là công việc, trách nhiệm, ông yên tâm trở về địa phương, đoàn tụ gia đình”, cụ Tiện hồi tưởng lại.


Video xem thêm:


Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường


Lần tìm nhà hung thủ trong đêm tối


Khi mặt trời khuất núi, chúng tôi rời đất tổ Vua Hùng, xuyên màn đêm về lại hiện trường vụ án năm xưa tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Mò mẫm trong đêm tối, liên tục phải hỏi đường, đến gần 21h cùng ngày, gần như đã kiệt sức, chúng tôi mới tìm được nhà bà Phùng Thị Sứng (75 tuổi), chị gái của Phùng Thanh Nhàn, hiện đang sống tại thôn Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh.


Bà Sứng nom già nua, khắc khổ, da mẩn đỏ khắp người vì đang mắc bệnh nặng. Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện năm xưa, bà tâm sự: Bố mẹ bà sinh được 4 người con (một người mất từ bé).


Bà là con cả, dưới là em trai Nguyễn Văn Thư và cậu út Nguyễn Văn Nhàn (chứ không phải Phùng Thanh Nhàn như mọi người vẫn gọi - PV). Thư đi bộ đội đã hy sinh, còn Nhàn ít tuổi ở nhà với chị (2 chị em cách nhau 6 tuổi). Bố mẹ tôi mất khi tôi 20 tuổi, Nhàn 14 tuổi.


Sau đó, Nhàn bỏ nhà ra đi sống vất vưởng trong một thời gian dài, rồi dính vào một vụ án giết người ở khu cầu Diện và bị kết án 7 năm tù. (Khi phạm tội, Nhàn ở tuổi vị thành niên nên không bị kết án tử hình - PV).


Đoạn trường của nhà báo khi nhập cuộc tìm hiểu về kỳ án oan - Ảnh 2


Bà Phùng Thị Sứng kể về việc em trai (Phùng Thanh Nhàn) đã bị kết án vì gây ra vụ giết người ở cầu Diện. (Ảnh T.Long)


Do thời gian trôi qua đã lâu nên bà Sứng không còn nhớ chi tiết nội dung vụ án mà em trai bà gây ra. Chỉ biết rằng, một thời gian ngắn sau đó, Nhàn đã trốn trại, trở về địa phương (huyện Tam Dương) gây ra một vụ cướp động trời.


Bị lực lượng công an truy đuổi, vây bắt, Nhàn trốn vào một nhà người dân và dùng súng ngắn bắn ra ngoài, gây náo loạn làng quê. Đến chiều tối hôm đó, căn nhà nơi Nhàn đang ẩn náu bị đốt cháy trụi. Bà Sứng đau đớn, mang nắm tro tàn của em trai về chôn trong nỗi tủi hổ với bà con làng xóm.


“Nhà có 4 chị em, nay 3 người đều đã chết. Tôi đau đớn lắm”, bà Phùng Thị Sứng nói như khóc. Hàng ngày, bà Sứng ở nhà trông cháu cho mấy đứa con đi làm xa nhà, kỷ niệm đau buồn về đứa em trai tên Nhàn dường như đã chôn chặt trong quá khứ.


Trước khi tiễn chúng tôi ra về, bà Sứng chia sẻ mong muốn cơ quan pháp luật xem xét, giải nỗi oan cho ông Trần Văn Thêm.









Ngày 7/3/2005, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội có công văn 1557, gửi ông Trần Văn Thêm với nội dung: “Không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan. Trường hợp nếu ông bị xét xử oan, thì phải được Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị để Ủy ban thẩm phán TANDTC xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm để huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tuyên bố ông không phạm tội giết người, cướp tài sản và đình chỉ vụ án.


Vì vậy, đơn khiếu nại của ông đề nghị được bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Nghị quyết số 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không có căn cứ”.



Thiên Long





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP