Phán quyết của tòa phải căn cứ vào kết quả tranh tụng
Theo luật sư Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Hiến pháp là đạo luật quan trọng, cơ bản nhất nên việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là hoạt động chính trị rất quan trọng. Do vậy, ông đề nghị các luật sư tích cực tham gia đóng góp ý kiến để góp phần làm hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Luật sư Phan Trung Hoài (Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn Luật sư) nhận xét lần đầu tiên khoản 3 Điều 32 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Đây là một quy định mới, tiến bộ, đề cao quyền con người trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, không nên chỉ giới hạn quyền này trong phạm vi “người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam…” mà cần mở rộng thêm “người bị tình nghi phạm tội” cũng có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, Điều 108 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa phải được bảo đảm”. Đây là sự đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết án. Tuy nhiên, từ thực tiễn tố tụng hình sự có rất nhiều trường hợp luật sư không được tạo điều kiện, nhất là ở giai đoạn điều tra. Nhiều quan điểm, đề xuất chứng cứ và kết quả tranh tụng không được bản án ghi nhận hoặc bác bỏ mà không có căn cứ pháp lý cụ thể khiến bản án thiếu thuyết phục. Để khẳng định chủ trương đẩy mạnh tranh tụng, xem đây là giải pháp quan trọng mang tính đột phá trong hoạt động tư pháp hình sự thì cần bổ sung như sau: “Nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo. Phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.
Góp ý Điều 120 của dự thảo, luật sư Phan Thông Anh (Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM) cho rằng Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền “phát hiện - kiến nghị” đối với các trường hợp văn bản quy phạm pháp luật bị vi hiến và “kiểm tra tính hợp hiến đối với các điều ước quốc tế trước khi trình Quốc hội và Chủ tịch nước phê chuẩn” là một sự hạn chế phạm vi hoạt động cũng như thẩm quyền của cơ quan này. Đóng khung giới hạn về nhiệm vụ đối với cơ quan bảo hiến như thế là không ổn.
Luật sư Thông Anh dẫn chứng: Nếu vừa rồi Cục Kiểm tra văn bản pháp luật (Bộ Tư pháp) không kịp thời phát hiện thì các văn bản quy định “người lùn, ngực lép” không được cấp bằng lái xe máy hoặc “xã viên hợp tác xã vận tải phải chuyển quyền sở hữu tài sản xe ô tô của mình vào hợp tác xã vận tải mới được kinh doanh” sẽ gây không biết bao nhiêu khốn đốn cho người dân. Do vậy, cần mở rộng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiến như xem xét, kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật; đình chỉ hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm vi hiến; thực hiện nhiệm vụ giải thích Hiến pháp và luật…
Từ các ý kiến từ các đoàn luật sư, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết một số nội dung còn nhận được nhiều đóng góp như lời nói đầu dự thảo quá dài, từ ngữ trong dự thảo chưa thống nhất…
Theo Hồng Tứ (Pháp Luật TP HCM)
www.nguoiduatin.vn