Web khiêu dâm là 'nguồn' chính của mã độc tại Việt Nam
Đó là kết luận của ông Pierre Noel, trưởng bộ phận tư vấn An toàn thông tin khu vực châu Á của Microsoft về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.
Theo chuyen gia này, mã độc chính là nguyên nhân khiến máy tính thường xuyên hiển thị pop-up quảng cáo, bị hacker theo dõi và đánh cắp thông tin, hoặc tệ hơn là "gia nhập" mạng lưới botnet của tin tặc.
Ông Pierre Noel nói thêm, người dùng Việt Nam cũng thường xuyên truy cập vào những lời quảng cáo "hấp dẫn" về tải phần mềm miễn phí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến máy tính bị lây nhiễm mã độc.
"Đứng đầu trong Top 10 họ malware nguy hiểm nhất là keygen, một dạng phần mềm tuyên bố cung cấp "key" miễn phí để người dùng có thể "bẻ khóa" các phần mềm phổ biến như Adobe Photoshop, Windows, phần mềm bảo mật... và dùng miễn phí. Tuy nhiên, khi người dùng download các keygen này về máy thì họ cũng nhiễm luôn mã độc", ông Noel chia sẻ.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhận thấy nguy cơ phổ biến nhất tại Việt Nam là những phần mềm không mong muốn, chiếm tới 54% máy tính. Nguy cơ cao thứ 2, thứ 3 là các mã độc cửa sau (trojan) và sâu/virus máy tính (worm) ảnh hưởng lần lượt đến 41,3 % máy và 30,1% máy tính khảo sát.
Nhận định về tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn máy tính, an toàn thông tin, thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định "An toàn thông tin đang là vấn đề sống còn, cấp thiết, rất được Chính phủ Việt Nam quan tâm".
Hiện tại, Bộ TT&TT đang tích cực xây dựng và hoàn thiện luật An toàn thông tin số để có thể trình Chính Phủ, nếu được quốc hội thông qua Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2015, tạo hành lang pháp lý cấp cao cho các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin tại Việt nam.
Những số liệu khác cũng cho thấy, hàng năm các doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng để giải quyết hậu quả của mã độc máy tính. Năm 2013 theo dự đoán số tiền này lên tới 114 tỷ USD trên toàn cầu.
Tuấn Khanh (tổng hợp)
www.nguoiduatin.vn