Chuyện anh bán dầu 'cầm vàng lại để vàng rơi'
Cúng xong xuôi ông yên trí vô nhà nằm nghỉ. Gần nhà ông, có một chòm mả hoang. Đêm đó, có anh bán dầu dừa đi lỡ đường, đến chòm mả nọ mà nghỉ lưng. Anh ta nghe thì thào như nhóm chợ, bọn ma quỷ bàn tán qua lại: "Đồ ăn ngon quá, mấy anh dám ăn không?". Ông Bá hộ có lòng tốt nhưng làm sao ăn được?
"Tề Thiên Đại Thánh nói rằng bánh cúng không được tinh khiết. Hồi gói bánh, có con nhỏ đầy tớ rủi đứt tay, làm dính máu trong lá chuối gói bánh", ông Bá hộ nói.
Anh bán dầu dừa biết đó là tiếng nói của cô hồn. Sáng hôm sau, anh ta lập tức đến nhà ông Bá hộ mà báo sự tình. Ông Bá hộ hết sức buồn bã, nghĩ thầm: Không lẽ mình rầy rà bọn đầy tớ! Cách hay nhất là mình cáo lỗi quỷ thần, cúng lại lần thứ nhì.
Đêm sau, cúng xong, ông Bá hộ nhờ anh bán dầu dừa ra ngoài chòm mả hoang nghe ngóng tin tức. Anh ta y lời, rình nghe bọn cô hồn bàn tán: "Thất bại nữa! Phen này tụi mình chết đói. Hồi hôm quá lá chuối dính máu. Bữa nay thì nấu bánh bằng củi ô uế ở chuồng heo...".
Anh bán dầu dừa trở lại thuật cho ông Bá hộ hay. Ông này buồn bã, hỏi lại thì rõ ràng bọn gia nhân đã lấy mấy khúc củi chuồng heo mà chụm lửa nấu bánh.
Ông Bá hộ đến chùa gần đó, nhờ nhà chùa cúng dùm, như vậy bảo đảm hơn. Cúng xong, anh bán dầu dừa cũng ra chòm mả nghe ngóng. Nhưng lần này anh ta dạn dĩ hơn lên tiếng trước: "Cô hồn các đảng ơi! Cúng như vậy ăn được không?".
Cô hồn mừng rỡ nói: "Được! Được! Ông Bá hộ có lòng tốt, trì chí lo lắng chu đáo miếng ăn cho tụi tôi. Anh về nói với ổng: Chừng một trăm ngày nữa chúng tôi đền ơn ổng một vật xứng đáng".
Sẵn có máu tham, anh bán dầu dừa không thuật lại điều ấy cho ông Bá hộ biết. Anh giả đò xin cất chòi kế bên cửa ngõ của ông Bá hộ. Rồi anh ta sống nương náu chờ ngày mà cô hồn đã hứa. Rình mãi không thấy gì, anh ngã lăn ra ngủ thiêm thiếp. Gà gáy sáng, bừng mắt dậy thì rõ ràng có ba cái lu lớn đặt trước cửa ngõ từ hồi nào. Mỗi lu đều có một con rắn hổ quấn chung quanh. Trong lu toàn là vàng thoi, bạc nén. Anh ta thò tay vào lu. Tức thì bao nhiêu vàng bạc đều hóa ra hàng trăm con rắn, đen thui, bò lúc nhúc. Hoảng sợ, anh rút tay ra. Vàng bạc hiện trở lại y nguyên. Lúng túng, anh ta không biết xử trí ra sao. Ông Bá hộ bước ra cổng, thấy vậy bèn sai gia nhân khiêng vàng bạc vào nhà.
Để đền ơn anh bán dầu, ông Bá hộ tặng cho hai thoi vàng, hai nén bạc. Cầm trên tay, anh ta mừng quýnh vì vàng, bạc không hóa thành con rắn nữa. Anh ta ra đi, cười hát nghêu ngao rồi vô quán rượu say sưa. Tỉnh rượu thì hai nén bạc, hai thoi vàng đã bị người trong quán rượu ăn cắp từ hồi nào. Đúng là “cầm vàng lại để vàng rơi”.
Luật nay: Yêu cầu điều tra làm rõ vụ mất tài sản
Đúng là một câu chuyện xưa kể lại đầy ý nghĩa cho mỗi chúng ta học tập. Chỉ vì lòng tham của mình mà anh bán dầu tưởng có vàng trong tay rồi lại mất vàng.
Tuy nhiên, để không phải bị mất số vàng đó, thì anh bán dầu phải làm đơn gửi tới cơ quan chức năng báo mất tài sản. Khi ấy, chức năng nhiệm vụ phải thuộc về cơ quan chức năng có nghĩa vụ điều tra làm rõ số tài sản đó bị mất cắp như thế nào.
Trước hết, trong vụ việc trên, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm xác định sự thật của vụ án theo Điều 11 BLTTHS. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Đồng thời, sau khi tiến hành điều tra xác minh có đủ bằng chứng về việc số tài sản mất cắp đó tại quán rượu thì phải có trách nhiệm khởi tố vụ án (Điều 13 của BLTTHS): Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án, trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
TƯỜNG LINH
www.nguoiduatin.vn