Chồng được ly hôn khi vợ ngoại tình mang thai
Phản ánh còn nhiều quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ ngoại tình mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng có căn cứ xác định chồng không phải là “tác giả” của bào thai, không phải là cha đứa trẻ. Sở dĩ người chồng bị hạn chế quyền trên là do khoản 2 Điều 85; khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 lần lượt quy định: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn” và “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”.
Bộ Tư pháp cho rằng đúng là theo quy định hiện hành, trẻ đã được thành thai trong thời kỳ hôn nhân thì đương nhiên là con của vợ chồng. Tuy nhiên, với trường hợp trẻ không phải là con của người chồng thì thực tế, người chồng thường có những diễn biến tâm lý bất thường, dễ dẫn đến bạo hành tinh thần, bạo lực gia đình như đay nghiến, chửi mắng vợ, thậm chí gây ra thương tích, án mạng. Vấn đề đặt ra nếu vợ ngoại tình mang thai thì quy định cấm chồng ly hôn trong thời gian vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi đã hợp lý?
Ảnh minh họa.
Hiện nay Bộ Tư pháp đã có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNGĐ năm 2000 và đang đề nghị góp ý.
Chúng tôi nhận thấy dự thảo Luật sửa đổi… vẫn giữ nguyên quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng như đã viện dẫn ở trên. Tôi cho rằng quy định này không phù hợp với thực tiễn và không đúng mục đích của Luật HNGĐ.
Thứ nhất, gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ HNGĐ. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…Ly hôn cũng là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng luật lại không cho chồng ly hôn trong trường hợp nêu trên là không hợp lý.
Thứ hai, về pháp lý và đạo lý, vợ chồng phải chung thủy, yêu thương, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Luật HNGĐ có nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện và bảo vệ chế độ HNGĐ tiến bộ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về HNGĐ phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Trường hợp vợ ngoại tình, có thai với người khác mà người chồng không được ly hôn, dù có chứng cứ xác thực chứng minh bào thai, đứa trẻ đó không phải của mình thì pháp luật vô tình bao che, dung túng hành vi vi phạm Luật HNGĐ. Khi bị hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì dễ xảy ra tình trạng “tự xử” của người bị “cắm sừng”.
Đây chính là ngòi nổ, nguyên nhân của những vụ án hình sự, hậu quả khôn lường! Do đó, Luật sửa đổi… cần quy định khi người chồng có đủ chứng cứ xác thực bào thai hoặc đứa trẻ đó không phải con của mình và chứng cứ đó được tòa án công nhận thì người chồng không bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
www.nguoiduatin.vn