Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không thu hồi văn bản 'cấm chụp ảnh CSGT'


Trao đổi với phóng viên sáng 21/8, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng C67 khẳng định sẽ không thu hồi văn bản số 1042/2013 có nội dung yêu cầu việc chụp ảnh CSGT phải xin phép.

Theo Phó cục trưởng Tuấn, đó là văn bản chỉ đạo nội bộ, không có gì sai cả.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định dư luận đã hiểu sai về nội dung chỉ đạo trong văn bản. Theo ông Tuấn, không hề có chuyện C67 chỉ đạo cấm phóng viên và người dân chụp ảnh, ghi hình CSGT đang thực thi nhiệm vụ.

Những ngày qua, dư luận “dậy sóng” vì văn bản 1042/2013 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) ký gửi Trưởng phòng CSGT các địa phương có nội dung yêu cầu lực lượng chú ý, xử lý đối với những hành vi chụp ảnh, ghi hình CSGT mà không xin phép. Có rất nhiều ý kiến cho rằng văn bản này trái luật và cần được thu hồi.

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra ngay về tính hợp pháp của văn bản 1042 để có ý kiến chính thức tới C67, Bộ Công an.


Không thu hồi văn bản


Hình ảnh ghi lại cảnh "làm luật" tại một chốt CSGT ở tỉnh Quảng Bình


Trong khi đó, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định văn bản 1042 có chứa quy phạm pháp luật là trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa khi trả lời báo chí thì quan điểm của lãnh đạo C67 cũng không thống nhất và khớp với những nội dung chỉ đạo trong văn bản 1042: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Luật sư này phân tích: Các quy định của pháp luật hiện hành không cấm người dân, nhà báo chụp ảnh, ghi hình lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát. Theo đúng chỉ đạo của C67 thì khi phát hiện tất cả những người ghi hình, chụp ảnh mà chưa được phép thì lực lượng CSGT phải lập tức kiểm tra giấy tờ. Dù thực hiện quyền giám sát của mình nhưng khi ấy rất có thể người dân sẽ gặp rắc rối với khái niệm “giả danh nhà báo” nếu không trình được giấy giới thiệu của cơ quan báo chí hoặc thẻ nhà báo và có thể bị “tạm giữ, lập hồ sơ”.

“Thế nào là giả danh nhà báo? Chả lẽ chỉ có nhà báo mới được quyền chụp ảnh, quay phim hay sao mà C67 lại sử dụng khái niệm này? Nếu sau này phát hiện người chụp ảnh, quay phim CSGT thi hành công vụ để tống tiền hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác thì mọi chuyện đã khác rồi, sẽ được xem xét xử lý theo đúng các quy định hiện hành. Chỉ đạo như vậy rất dễ khiến lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường lạm quyền” - luật sư này nói.

Ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nội dung văn bản 1042 không phù hợp với quy định của Luật Báo chí.Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh thì khẳng định mọi công dân đều có quyền ghi hình, chụp ảnh lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường mà không cần xin phép trước. “Khi anh nghiêm chỉnh, đàng hoàng, thực thi nhiệm vụ đúng quy định của ngành thì không phải sợ gì việc chụp ảnh, ghi hình tung lên mạng, Facebook bôi xấu nữa” - ông Quốc Anh nói.


Theo Thế Kha (Người lao động)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP