Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Những ‘bê bối’ của CSGT liên quan cái biên bản


Kiểm điểm cảnh sát giao thông lập biên bản sai


Ngày 31-7/2009 anh Hoàng điều khiển xe du lịch lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh hướng về cầu Điện Biên Phủ). Lúc đó, một cảnh sát giao thông đã yêu cầu anh dừng xe để kiểm tra giấy tờ.


Theo cảnh sát này, anh Hoàng phạm lỗi “đi không đúng phần đường quy định” và đòi lập biên bản. Anh Hoàng khẳng định mình lưu thông đúng phần đường. Bởi biển chỉ dẫn ngay tại đầu giao lộ cho phép loại xe du lịch được chạy trên cả bốn làn đường. Anh Hoàng yêu cầu cảnh sát giao thông cùng anh quay lại để kiểm tra biển chỉ dẫn. Tuy nhiên, người này không đồng ý và vẫn lập biên bản, tạm giữ giấy phép lái xe.


Ngay sau đó anh Hoàng đã làm đơn khiếu nại lên phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an TP.HCM. Qua thẩm tra, xác minh lại sự việc và phía cơ quan chức năng khẳng định Hoàng đã khiếu nại đúng. Bởi lẽ xe du lịch được phép lưu thông trên cả bốn làn đường của đoạn đường trên.



Những câu chuyện tiêu cực liên quan đến biên bản xử phạt giao thông không phải hiếm. (Ảnh minh họa)


Anh Hoàng không bị xử phạt, được trả lại giấy tờ xe, được xin lỗi. Đồng thời Đội cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hôm đó đã kiểm điểm người cảnh sát giao thông trên, phổ biến vụ việc trong toàn đơn vị để rút kinh nghiệm,


Giữ giấy tờ không lập biên bản


Khoảng tháng 5/2012 anh Nguyễn Đức Thịnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có phản ánh về việc bị cảnh sát giao thông Mê Linh (Hà Nội) giữ giấy tờ nhưng không lập biên bản. Cụ thể sau khi xuất trình giấy tờ và bị cảnh sát lập biên bản, anh Nguyễn Đức Thịnh đề nghị được ghi ý kiến vào phần lời khai của người vi phạm nhưng không được chấp thuận. Sau khi đôi co, cảnh sát lên ôtô công vụ bỏ đi mà không hề lập biên bản và cũng không lấy lời khai người làm chứng.


Sau khi báo chí phản ánh về sự việc phía công an huyện Mê Linh cho biết đã: Kiểm điểm, nghiêm túc phê bình, rút kinh nghiệm đối với 4 cảnh sát về quy trình tuần tra kiểm soát giao thông và quy tắc ứng xử của lực lượng cảnh sát giao thông công an thủ đô, nhằm không để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.


Lập biên bản “lậu”, cảnh sát chạy theo xin lỗi tài xế


Ngày 8/8/2013 một clip tố Cảnh sát giao thông lập biển bản “lậu” để “ăn” tiền được cho là của một tài xế ghi lại hình ảnh tại chốt Cảnh sát giao thông trước Trường Bồi dưỡng Chính trị Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bên cạnh là nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Đất Đỏ và huyện Long Điền.



Cảnh sát Mai Bá Thi, người bị "tố cáo" là lập biên bản "lậu" "ăn" tiền trong clip


Theo lời kể của tài xế, anh này đã vi phạm luật giao thông khi di chuyển với tốc độ 55km/h trong khi quy định trên đoạn đường chỉ là 50km/h. Cảnh sát Mai Bá Thi đã yêu cầu anh này nộp phạt 700 ngàn đồng vì lỗi chạy xe quá tốc độ, yêu cầu ký tên vào biên bản và để tiền lại trên xe để chính CSGT này đi nộp giùm, đồng thời sẽ trả hết giấy tờ xe lại.


Tuy nhiên trong khi ký vào biên bản, tài xế phát hiện người lập biên bản này không lót giấy than và thay đổi lỗi ghi trong biên bản thành “không thắt dây an toàn”, lỗi có mức xử phạt nhẹ hơn. Phát hiện hành vi này, tài xế giữ lại biên bản, thắc mắc và quay clip.


Trong clip tài xế này chia sẻ trên mạng, hình ảnh nhìn thấy những giây đầu tiên là gương mặt lộ vẻ lúng túng của viên CSGT. Trong khi tài xế liên tục hỏi về lý do tại sao biên bản không ghi đúng lỗi thì cảnh sát tên Mai Bá Thi chỉ ậm ừ và liên tục nói “xin lỗi”.


Như vậy, những sai phạm của Cảnh sát giao thông liên quan đến cái biên bản không phải là hiếm. Tuy nhiên nhìn nhận từ những vụ việc trước đó có thể thấy những hành vi sai phạm này còn bị xử lý quá nhẹ, chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Phải chăng từ sự buông lỏng quản lý này và việc xử lý hành vi sai phạm quá nhẹ dẫn đến những hình ảnh xấu và tiêu cực của một số chiến sỹ Cảnh sát giao thông vẫn diễn ra và không có chiều hướng thuyên giảm.


Băng Tâm (tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP