'Cởi trói' casino có 'mở cửa' cho những hệ lụy xã hội?
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/8 về Dự thảo hoạt động kinh doanh casino, vấn đề thí điểm cho người Việt vào casino đánh bạc đã được đưa ra bàn luận, với nhiều ý kiến trái chiều...
Vấn nạn vượt biên đánh bạc
Theo một thống kê, hiện cả nước có bảy doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh casino, với năm dự án quy mô nhỏ (khoảng 15 bàn trò chơi và 80 máy trò chơi) ở một số tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... ; và hai dự án casino lớn đang xây dựng tại tỉnh Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại tất cả các casino này đều nghiêm cấm người Việt, chỉ cho phép người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu, giấy tờ tùy thân vào casino. Trước nay, quy định này đều được các casino chấp hành nghiêm chỉnh. Hầu hết, các con bạc trong nước đều không hề biết bên trong casino của Việt Nam có những gì.
Luật gia Đặng Đình Thịnh, giám đốc TT tư vấn pháp luật TP.HCM
Tuy nhiên, rất nhiều người Việt lại tường tận mọi ngóc ngách trong các casino nước ngoài. Các sòng bạc mọc lên "như nấm sau mưa" dọc biên giới Campuchia, lâu nay trở thành "thiên đường" cho giới đỏ đen Việt Nam. Từ những con bạc thứ thiệt, cho đến anh nông dân, cậu bé bán vé số lén "cầm" chiếc xe máy cà tàng của gia đình chen chân vào ăn thua trên các sòng bạc nơi xứ người. Thông tin từ công an tỉnh Long An cho biết, mỗi ngày, trung bình có khoảng 1.300 người Việt vượt biên sang Campuchia đánh bạc. Và không ít người trong số đó thua bạc, bị giang hồ bên Campuchia bắt giữ, thông báo cho gia đình nạn nhân ở Việt Nam sang chuộc về.
Như con thiêu thân lao vào nơi có ánh sáng, họa cờ bạc bên kia biên giới đã làm không biết bao nhiêu gia đình khuynh gia bại sản, khiến không ít người phải tìm đến cái chết do nợ nần chồng chất. Không ít người trong số đó vì thua trắng tay mà trở thành tội phạm trộm cắp, cướp của, giết người. Dư luận có lẽ vẫn chưa quên cái chết của bà Huỳnh Thị Tuyết N. (SN 1966, trú TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Khoảng 5h30 ngày 18/7, bà N. đã treo cổ tự tử tại một phòng trọ ở TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai). Lá thư tuyệt mệnh để lại cho biết, bà N. thường xuyên qua Campuchia đánh bạc ở casino, gần đây đã thua hết tài sản.
Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo nghị định kinh doanh casino, không ít thành viên nhận định, tình trạng người Việt ra nước ngoài chơi casino dẫn đến "chảy máu ngoại tệ", gây nhiều hệ lụy cho xã hội; đồng thời tán thành với đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu thực hiện thí điểm cho phép người Việt chơi casino tại đặc khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần có những quy định cụ thể và phải có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Một casino ở Campuchia (hình internet)
Đề xuất mới có hạn chế được hệ lụy xã hội?
Làm gì để giảm thiểu hệ lụy xã hội? Luật gia Đặng Đình Thịnh nhận định: "Kinh nghiệm từ hoạt động của một số casino lớn trên thế giới cho thấy, nên đưa quy chế những người chơi bài có dấu hiệu nghiện, thâm nợ nhiều thì người thân hoặc chính người đó được quyền yêu cầu casino cấm không cho người thân của mình hoặc chính mình vào chơi với thời hạn nhất định và các casino buộc phải chấp hành. Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát hiệu quả để tránh hiện tượng gian lận trong các casino. Các casino vi phạm phải bị xử phạt nghiêm minh. Tôi tin rằng, áp dụng hiệu quả các biện pháp nêu trên sẽ hạn chế được các hệ lụy từ hoạt động casino". |
Đề xuất này rõ ràng ngăn chặn được nạn "chảy máu ngoại tê"å, nhưng có giảm thiểu được những hệ lụy xã hội, hay lại phát sinh thêm những vấn đề mới là điều khiến không ít người e dè. Anh Nguyễn Văn Tú (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng: "Việt Nam không phải là nước đầu tiên có casino. Nước láng giếng Campuchia có hàng chục casino dọc biên giới với Việt Nam.
Thực tế, chúng ta chưa ngăn cản được người Việt Nam mang tiền sang nước ngoài đánh bạc. Theo tôi, quan trọng là ở cách quản lý. Ví dụ chúng ta quy định người nào trong tài khoản có trên 1 tỷ mới được vào casino, thì rõ ràng chúng ta đang thu được tiền của những nhà giàu, còn người bình thường thì không thể phung phí tiền bạc".
Trao đổi với PV về việc thí điểm cho người Việt vào casino đánh bạc, theo luật gia Đặng Đình Thịnh (giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật, hội Luật gia Việt Nam) là hoàn toàn đúng đắn. Luật gia Thịnh phân tích: "Mặt tích cực là ngành kinh doanh cá cược nói chung, casino nói riêng đem lại lợi nhuận rất lớn, Nhà nước sẽ thu được một khoản thuế lớn để phục vụ an sinh xã hội, bên cạnh đó thu hút được khách du lịch, tạo công ăn việc làm, tránh tình trạng "chảy máu ngoại tệ” như hiện nay, khi rất đông người Việt Nam qua Campuchia, Ma cao, Singapore... đánh bạc. Casino còn thu hút thêm đầu tư phát triển du lịch và các ngành thương mại dịch vụ khác…".
"Quan trọng hơn, chúng ta nên tạo hành lang pháp lý và tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả, hạn chế các hệ lụy và tác động xấu. Kinh nghiệm từ các quốc gia đã cho hoạt động casino nhiều năm cho thấy, hoạt động casino tại Việt Nam khi tổ chức phải quy mô, có tính cạnh tranh với các casino lớn trong khu vực và thế giới để thu hút khách quốc tế như nên tổ chức ở những khu vực bờ biển có phong cảnh đẹp, thuận lợi cho du lịch, nằm trong khu phức hợp đa dạng về du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ để ngoài việc chơi casino du khách còn được du lịch, mua sắm, xúc tiến đầu tư… Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý khác cũng phải điều chỉnh cho phù hợp để khuyến khích và thu hút du khách quốc tế, chẳng hạn nới rộng số lượng ngoại tệ được mang ra vào cửa khẩu đối với khách nước ngoài", ông Thịnh cho biết thêm.
Ở góc độ xã hội, thạc sĩ Phạm Lan Anh, chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM băn khoăn: "Tôi cho rằng, đánh bạc ở casino trên nước mình, con bạc sẽ được kiểm soát, đảm bảo an toàn tính mạng hơn là trên nước bạn. Tuy nhiên, hiện tại đa số người Việt sang bên kia biên giới đánh bạc là những người cư ngụ ở các tỉnh giáp biên. Nếu Việt Nam mở cửa cho người Việt vào casino, chắc chắn sẽ có thêm hàng triệu người ở khắp các tỉnh, thành kéo vào các casino. Những hành lang pháp lý nào đảm bảo giảm thiểu được hệ lụy xã hội từ việc đánh bạc?. Chưa tính đến những hệ lụy phát sinh như nạn mại dâm, nghiện hút, bảo kê sòng bài… Chính phủ cần cân nhắc thật kỹ các quy định và cơ chế quản ly; nếu quản lý lỏng lẻo thì tệ nạn sẽ gia tăng…".
Khác với những ý kiến trên, ông Võ Quốc Huy (55 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) lại e ngại: "Tôi e rằng, khi casino cho phép người Việt Nam tham gia, các quý tử con nhà giàu sẽ coi đó là mốt thời thượng, khẳng định mình bằng cách "đốt tiền" ở các casino. Các quan chức có máu đỏ đen cũng sẽ lén lút đi casino. Và biết đâu, những xấp tiền mà họ vung ra lại là tiền bòn rút từ công quỹ Nhà nước? Người nghèo thì không được vào casino, nhưng với cách quản lý lỏng lẻo, chồng chéo như từ trước đến nay, khó có thể tin rằng, chỉ người giàu mới đặt chân tới casino. Còn nếu không cho phép người nghèo thì họ sẽ vẫn chạy qua biên giới đánh bạc bằng mọi cách".
Hương Lam - Ngọc Lài
www.nguoiduatin.vn