Ăn trộm Email có thể bị truy cứu hình sự
Luật gia Nguyễn Hữu Thực, công ty luật Song Thanh trả lời:
Việc sử dụng email điện tử của người khác đang là vấn đề khá phức tạp. Thư điện tử giờ đây đang là một trong những phương tiện thường xuyên để các cá nhân trao đổi, thông tin qua lại với nhau, cũng như thực hiện một số giao dịch.
Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khoản 3 Điều 38 Bộ luật dân sự nêu rất rõ: “Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Ảnh minh họa
Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng quy định về chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Cụ thể, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
Như vậy, một người chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác khi và chỉ khi trước đó họ đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi trên mà còn tiếp tục vi phạm.
Trở lại câu hỏi của bạn nói trên, do người có hành vi “đánh cắp” thư điện tử của bạn chưa bị xử phạt hành chính hoặc kỷ luật về hành vi này nên chưa đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên để bảo vệ quyền nhân thân của mình bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cá nhân có hành vi vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, yêu cầu phải xin lỗi công khai.
Nếu bị từ chối bạn có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai nếu việc xâm phạm bí mật đời tư đó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. Trong trường hợp có thiệt hại thực tế xảy ra, thì có quyền yêu cầu tòa buộc người đó phải bồi thường.
Nghị định 63/2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông tin thì hành vi bẻ khóa, xâm phạm thông tin của người khác trên môi trường mạng bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng. Nghị định 02/2011 về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản cũng quy định hành vi làm lộ thông tin đời tư của người khác bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi xâm phạm bí mật thư tín còn được quy định tại Nghị định 58/2011 (có hiệu lực ngày 1-9-2011). Theo đó người nào có hành vi bóc mở hoặc tráo đổi nội dung thư thì bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (mức phạt cũ theo Nghị định 142/2004 đối với hành vi này là từ 3 đến 10 triệu đồng). |
Tạ Giang
www.nguoiduatin.vn