‘Bác sĩ Tường không vứt xác chị Huyền trên bờ’
Thưa tiến sĩ Vũ Văn Bằng, ông có thể nói rõ về việc sử dụng máy địa từ để tìm kiếm chị Lê Thị Thanh Huyền ?
Chiếc máy này tôi đã sáng chế và đưa vào sử dụng cách đây cả chục năm rồi. Đây là máy địa từ thứ cấp, loại máy này đã được sử dụng để tìm kiếm thi thể người bị vùi lấp trong các thảm họa sạt lở núi, chết đuối và cả tìm mộ liệt sỹ… Phương pháp này chỉ mới khi áp dụng để tìm kiếm thi thể của chị Huyền sau những tháng ngày vừa qua không có kết quả dù đã rất nhiều lực lượng tham gia tìm kiếm.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng sử dụng máy địa từ tìm kiếm xác chị Huyền dọc sông Hồng trua 8/12.
Ông có thể cho biết việc tìm kiếm bắt đầu như thế nào?
Ban đầu chúng tôi tìm kiếm dọc trên sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì xuôi xuống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) thì xác định được 40 vị trí có dấu vết thi thể nhưng sau đó phân tích, vạch trên bản đồ, định vị thì xác định được 5 điểm khả nghi. Sau đó chúng tôi thấy điểm 2 cách cầu Thanh Trì 700 mét và điểm thứ 5 gần đoạn Bát Tràng là khả nghi nhất nên đã tổ chức cho thợ lặn tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Vậy sau khi tìm kiếm dưới nước bằng phương pháp mới chưa có kết quả và ông đã tổ chức tìm kiếm trên bờ. Vậy việc tìm kiếm này ra sao, thưa ông?
Hơn 2 ngày qua tôi đã đi lại hành trình mà Tường khai chở nạn nhân đi vứt xác phi tang. Theo lời khai của các nghi can thì có 3 lộ trình khác nhau thì máy đi tìm kiếm rồi nhưng không có gì thậm chí nhiều chỗ khả nghi như ống cống, thẩm mỹ viện Cát Tường,.. cũng không có tín hiệu gì.
Người nhà theo chân tiến sĩ Vũ Văn Bằng tìm kiếm.
Tại điểm Tường khai nhận vứt chị Huyền xuống sông ông có phát hiện được gì không?
Tại vị trí Tường khai với công an máy địa từ có bắt tín hiệu và hướng về phía cách cầu vài trăm mét. Khi xuống tới điểm có tín hiệu nếu là xác người máy sẽ quay tít.
Trong những ngày qua việc tìm kiếm có gặp khó khăn gì không thưa ông?
Việc tìm kiếm đã gặp rất nhiều khó khăn do tìm kiếm ở môi trường nước. Trên sông nước không chỉ riêng xác nạn nhân mà còn rất nhiều xác trôi dạt từ trước hoặc sau chị Huyền. Không giống như vụ xe lật trên sông Lam hay vụ sập mỏ đá Lèn Cờ thì việc tìm kiếm sẽ dễ dàng bởi nó chỉ có ở điểm đó hoặc cách đó không xa. Còn về vụ việc này thì sông dài cả trăm km, việc tìm kiếm sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Đến nay, việc máy địa từ đo cả trên cạn và dưới sông có cho kết quả gì?
Trong 2 ngày tìm kiếm trên bờ vừa qua chúng tôi phải lên bản đồ, định vị tất cả các phía sau đó phân tích xem vị trí đó là của nạn nhân Huyền hay của người khác. Sau buổi khảo sát hôm nay mai chúng tôi về sẽ xử lý số liệu cùng với sử lý tài liệu dưới sông thì mới cho kết luận chính xác được. Sơ sơ có thể khẳng định rằng bác sĩ Tường không vứt xác chị Huyền trên bờ”.
Ông sẽ lên kế hoạch như thế nào để giúp gia đình tìm kiếm xác chị Huyền một cách có hiệu quả?
Sau khi chọn điểm nghi vấn tôi sẽ đề nghị công an cấp xuồng hay ca nô cùng gia đình xuống sông tiếp tục khảo sát những điểm nghi vấn. Về việc tìm kiếm bằng cách thuê thợ lặn và thuyền giống đợt trước sẽ không mang lại hiệu quả cao, làm như thế không khác nào “mò kim đáy bể” và mất thời gian.
Bây giờ trước tiên gia đình hãy chờ chúng tôi phân tích kết quả của đợt đo trôi sông và kết quả đo ở trên cạn trong suốt tuần qua, chúng tôi còn lên cả cầu Long Biên, định vị từ cốt để tìm luồng ngạch của nạn nhân có trùng với luồng ngạch chung hay không. Trên cơ sở đó khẳng định bao nhiêu % con số xác xuất nhằm giúp gia đình tìm kiếm được nạn nhân có kết quả tốt nhất.
Định Nguyễn
www.nguoiduatin.vn