Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Lộ diện ông trùm tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam


Ngày 28/5, tin tức từ đại tá Trần Quang Thắng - trưởng phòng An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ cho biết vừa bắt giữ Nguyễn Tiến Dũng (41 tuổi, ở Vĩnh Phúc) người chủ mưu mua bán trên một tỷ đồng tiền giả xảy ra tại Cần Thơ.


Lộ diện ông trùm tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam - Ảnh 1


Sau khi bị bắt tại khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, Dũng được di lý về tạm giam tại Cần Thơ để phục vụ điều tra. Tên này chính là người cung cấp tiền giả cho đường dây tiêu thụ tiền giả tại Cần Thơ của Lâm Thị Xuân Thùy (đã bị công an khám phá cuối năm 2013).


Theo cơ quan an ninh điều tra, Dũng có 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích và Lưu hành tiền giả, ra tù năm 2010. Tên này sau đó đã sang Trung Quốc mua hơn 1 tỷ đồng tiền giả với giá 9 Nhân dân tệ (khoảng hơn 20 nghìn VNĐ) được 200.000 đồng.


Về Việt Nam, Dũng bán lại cho Lâm Thị Xuân Thùy (ngụ Cà Mau) với tỷ lệ 10 triệu đồng tiền giả đổi 3 triệu đồng tiền thật.


Thùy đưa tiền cho chồng là Võ Hồng Thắng, đi xe đò về các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Bà này cũng bán cho nhiều người với giá 5 triệu đồng tiền thật được 10 triệu tiền giả .


Cuối năm 2013, Thùy bị cơ quan An ninh điều tra bắt. Khám xét nơi tạm trú của người này trên đường Nguyễn Văn Linh (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ rất nhiều tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.


Mở rộng vụ án, cơ quan An ninh điều tra bắt khẩn cấp thêm những người có liên quan đến đường dây gồm: Nguyễn Văn Long, Vũ Văn Nùng, Đào Quang Đông…









Cách nhận biết tiền giả Polymer 200.000 đồng


Thời gian gần đây, trong lưu thông xuất hiện tiền giả polymer 200.000 đồng có hình thức khá giống tiền thật, NHNN đã ra thông báo một số đặc điểm nhận dạng cụ thể, phân biệt dễ dàng loại tiền giả này.


Đầu tiên, khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không có các chi tiết in tinh xảo, sáng rõ như tiền thật;


Đặc điểm thứ hai, hình định vị (hình ảnh trên mặt trước và hình ảnh trên mặt sau in trên cùng một vị trí) không khớp khít, không cân đối và không tạo thành các khe sáng trắng đều nhau như tiền thật khi soi tờ tiền trước nguồn sáng;


Thứ ba, mực đổi màu được in giả bằng mực nhũ vàng, khi chao nghiêng không đổi từ màu vàng sang màu xanh lá cây như yếu tố mực đổi màu của tiền thật (chỉ có ở tờ tiền 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng);


Kiểm tra cửa sổ nhỏ (chỉ có ở tờ 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng), không có yếu tố hình ẩn như tiền thật.


NHNN lưu ý, tiền giả mới xuất hiện gần đây có làm giả nét in nổi bằng cách in thêm các ký tự tương ứng bằng mực không màu (trong suốt) tại các vị trí như: dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chữ và số mệnh giá (lớn) trên mặt trước; dòng chữ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, chữ và số mệnh giá trên mặt sau.


Khi vuốt nhẹ tại các vị trí này cũng cảm nhận được độ nổi nhưng không nhám, ráp như tiền thật, nhằm đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng khi kiểm tra nét in nổi. Khi soi tờ tiền dưới đèn cực tím (UV), các ký tự in bằng mực không màu thường phát quang, rất dễ nhận biết.


Theo NHNN, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền, nếu là tiền thật sẽ rất khó rách, khó bai giãn hoặc nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay, khi mở bàn tay ra, nếu là tiền thật sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu, như trước khi nắm.



Theo báo Đất Việt



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP