Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Kỳ án 'vườn mít': Không xác định bà Hảo là người làm chứng


Theo tin tức báo Thanh Niên: Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa có công văn số 3895 gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về quá trình thụ lý giải quyết đơn khiếu nại vụ án Lê Bá Mai phạm các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em ” xảy ra tại Bình Phước.


Viện KSND Tối cao cho biết sau khi xét xử phúc thẩm, cơ quan này nhận được 13 đơn đề nghị xem xét lại vụ án của các ông Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Bá Triệu (bố Mai) và 4 luật sư (Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Việt Hà, Trịnh Thanh, Huỳnh Thế Tân).


Riêng bị án Lê Bá Mai, đến nay Viện KSND Tối cao không nhận được đơn nào kể từ sau khi xét xử phúc thẩm ngày 30/8/2013. Ngoài ra, cơ quan này còn nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hảo (quê quán ở huyện Tân Yên, Bắc Giang) nêu một số thông tin và đề nghị được làm chứng trong vụ án.


Kỳ án 'vườn mít': Không xác định bà Hảo là người làm chứng - Ảnh 1


Để xem xét, thẩm định vụ án của Lê Bá Mai, một tổ chuyên viên liên ngành với sự tham gia của các cán bộ có kinh nghiệm của Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đã được thành lập. Cán bộ chuyên ngành từng ngành trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách độc lập, thận trọng. Tổ công tác cũng trực tiếp gặp nhưng người liên quan để xác minh.


Sau đó 3 ngành tố tụng T.Ư đã đã tổ chức cuộc họp để nghe tổ chuyên viên báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả xác minh. Lãnh đạo liên ngành đã đi tới thống nhất rằng phiên tòa phúc thẩm ngày 30/8/2013 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM diễn ra công khai, minh bạch và đúng pháp luật.


“Không có căn cứ theo quy định của pháp luật để xem xét lại bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”, văn bản của Viện KSND Tối cao nêu rõ.


Đối với lá đơn xin ra làm chứng minh oan cho Lê Bá Mai của bà Nguyễn Thị Hảo, Viện KSND Tối cao khẳng định đây không có gì mới. Quá trình giải quyết vụ án cơ quan điều tra đã làm việc với bà Hảo. Các cơ quan tố tụng không xác định bà Hảo là người làm chứng.


Công văn số 3895 của VKSND Tối cao khẳng định: “Đây không phải là vấn đề mới, quá trình giải quyết vụ án Cơ quan điều tra đã làm việc với bà Hảo. Các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định bà Hảo là người làm chứng trong vụ án, vì bà Hảo không phải là người trực tiếp biết về vụ án, không giải thích được một cách có căn cứ về những tình tiết của vụ án, lời trình bày của bà Hảo có nhiều mâu thuẫn và không có chứng cứ khác để kiểm chứng về những vấn đề bà nêu ra.”


Kỳ án 'vườn mít': Không xác định bà Hảo là người làm chứng - Ảnh 2


Viện KSND Tối cao cho rằng Lê Bá Mai (áo trắng) có tội.


Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước Bùi Mạnh Hùng đã có ý kiến cho rằng vụ án chưa được cơ quan tố tụng giải quyết thấu đáo.


Ngày 5/11, ông Triệu chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM: Sau phiên xử phúc thẩm lần ba, ông vào trại giam gặp Mai. Mai khẳng định đã làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan tố tụng từ ngày 5/9/2013. Ông Triệu cũng cho biết đầu năm 2014, gia đình ông đã ra Hà Nội gửi đơn kêu oan cho con. Nhiều ĐBQH và luật sư cũng gửi đơn kêu oan cho Mai và kiến nghị xem xét lại vụ án.


“Tôi chưa hề nhận được văn bản trả lời nào của VKSND Tối cao, cũng chưa từng được họ cho gặp gỡ để trực tiếp trình bày” - ông Triệu khẳng định.


Theo ông Triệu, nếu muốn biết Mai có gửi đơn kêu oan hay không thì chỉ cần tìm hiểu ở trại tạm giam tỉnh Bình Phước (nơi Mai hiện đang bị giam giữ) là rõ.


Luật sư Trịnh Thanh, luật sư Nguyễn Việt Hà và luật sư Huỳnh Thế Tân (những người bào chữa và trợ giúp pháp lý miễn phí cho Lê Bá Mai) cũng khẳng định chưa từng nhận được văn bản trả lời cũng như không được mời làm việc trực tiếp với VKSND Tối cao liên quan vụ án gì cả…


Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5/11, ĐBQH Bùi Mạnh Hùng cho biết ông có nghe nói nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của VKSND Tối cao. Trước đó, ông đã yêu cầu được trả lời bằng văn bản chi tiết các vấn đề liên quan trong vụ án như mâu thuẫn về lời khai, về vật chứng, hiện trường vụ án, những vi phạm tố tụng…


“Với những thông tin mà tôi biết, tôi nghĩ nên kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để xem xét cẩn trọng hơn. Nếu không, tôi không thể yên tâm khi kết án chung thân một con người mà chứng cứ còn đầy mâu thuẫn, thiếu sức thuyết phục, trong khi bị cáo liên tục kêu oan” - ĐB Hùng nói.


Gia Huy (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP