Phút trải lòng của hai người đàn bà đẹp có chồng phạm tội
Một người liên quan đến vụ án với vai trò đồng phạm. Một người liên quan đến vụ án do hành vi không tố giác tội phạm. Nhưng vì tính nhân đạo của pháp luật nên cả 2 đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại phiên xử chồng mình, 2 người đàn bà này đã có những phút trải lòng đúng với suy nghĩ của họ.
“Thời gian vừa rồi rất kinh khủng với gia đình tôi”
Bà Đặng Ngọc Lan (42 tuổi), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B (viết tắt là Công ty B&B) là vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Chủ tịch Hội đồng quản trị của sáu công ty khác do bị cáo Kiên lập ra. Bị cáo Kiên bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù về 4 tội: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì bà Lan chuẩn bị sinh con. Vì chính sách nhân đạo của pháp luật nên cơ quan điều tra thấy chưa cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Lan với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện hành vi phạm tội.
Điều đó cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra luôn đặt ra vấn đề đảm bảo tính nhân đạo, hay nói cách khác là cơ quan điều tra tìm căn cứ gỡ tội cho người có hành vi vi phạm chứ không chỉ chú trọng buộc tội họ.
Tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên và những đối tượng liên quan) ngày 2/12. Cũng như những phiên xét xử trước đó, bà Lan trong trang phục giản dị có mặt từ rất sớm. Mở đầu phiên tòa, bà Lan trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử liên quan đến những văn bản mà mình đã đại diện cho chồng ký vào.
Những ai có mặt tại phiên tòa chứng kiến bà Lan trả lời cũng đều có chung nhận định rằng người phụ nữ này đã đặt trọn niềm tin vào chồng mình. Liên quan đến hợp đồng giao dịch giữa công ty B&B hiện do bà Lan làm Tổng Giám đốc với Ngân hàng ACB vào năm 2008, bà Lan cho biết: “Tôi không để ý tìm hiểu hợp đồng đó chi tiết như thế nào. Khi đó tôi ở nhà, anh Kiên mang hợp đồng về nói tôi ký. Tôi không thường xuyên ký hợp đồng, văn bản mà chỉ ủy quyền khi anh Kiên đi công tác. Trong trường hợp này, tôi ký hợp đồng đó ở nhà, nội dung hợp đồng như thế nào thì tôi không để ý”.
Đồng thời, bà Lan cũng chia sẻ rằng trong quãng thời gian bà và chồng chung sống với nhau, rất nhiều lần Bầu Kiên mang hợp đồng về nhà ủy thác cho vợ ký hoặc có những khi Bầu Kiên đi công tác xa nhà thì chính bà Lan là người được ủy quyền ký vào các hợp đồng. Nhiều hợp đồng Bầu Kiên đưa về cho bà Lan ký, vì tin tưởng chồng nên có những hợp đồng bà Lan không đọc mà ký luôn. “Tôi tin tưởng anh Kiên, chồng mang về ký thì chẳng hỏi để làm gì, chắc là anh ấy sẽ không đưa tôi ký những cái sai... Tôi được ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng và các loại giấy tờ khác”, bà Lan chia sẻ và cho biết, từ năm 2009, bà ít khi thay chồng ký kết các hợp đồng kinh tế hơn vì mang thai và bận chăm sóc con nhỏ ở nhà.
Trả lời về trách nhiệm của bản thân với những hợp đồng đã ký, bà Lan nói: “Tôi ký với tư cách là môt người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng mình. Bây giờ tôi không thể nói anh Kiên là người chịu trách nhiệm vì đó là chồng tôi...”.
Trước câu hỏi của Thẩm phán cho rằng bà là đồng phạm với chồng, mặt bà Lan trùng xuống. Lặng đi một lúc bà Lan xúc động nói từng câu ngắt quãng: “Tôi không nghĩ một ngày mình lại là đồng phạm của chồng. Tôi luôn nghĩ tôi không sai... chồng tôi không sai... vì tôi hành động trên một niềm tin như thế... Tôi không thể phủ nhận tôi không có nhận thức về pháp luật, dù như vậy, có lợi cho tôi hơn. Nhưng tôi mong Hội đồng xét xử có thể hiểu và xem xét trách nhiệm của tôi với một phụ nữ suốt thời gian dài ở nhà chăm con và chỉ thực hiện một số công việc theo chỉ dẫn của chồng.”
Bà Lan cũng cho biết thêm: “2 năm vừa rồi là thời gian kinh khủng với gia đình tôi. Tôi còn phải chăm 3 con. Mọi người quá sợ hãi không dám làm tiếp các công việc kinh doanh. Tôi là người chưa bao giờ phải đứng ra lo công việc. Nhưng đấy là 2 năm vừa rồi chứ trước đó tôi không làm gì hết mà chỉ làm công việc của phụ nữ ở nhà thôi”.
Vào ngày 28/11, khi kết thúc ngày xét xử phúc thẩm đầu tiên, bà Lan đã tiễn chồng ra tận xe thùng. Trong những phút gặp gỡ ngắn ngủi, bà Lan dặn Bầu Kiên phải uống thuốc đầy đủ, đừng để bị ngất xỉu như một bị can khác tại tòa. Theo lời Luật sư bào chữa cho Bầu Kiên, kể từ khi bị bắt giam đến nay, Nguyễn Đức Kiên chưa từng gặp gỡ vợ con và người thân. Thông qua Luật sư bào chữa, người đàn ông tóc bạc này nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ tình cảm kịp thời từ phía gia đình. Đặc biệt người vợ trẻ và ba cậu con trai luôn dành tình yêu thương cho Nguyễn Đức Kiên.
Cậu con trai lớn của Bầu Kiên đã viết thư động viên bố và hứa cố gắng chăm sóc hai em trai nhỏ đã làm bầu Kiên phần nào an tâm về gia đình khi thiếu vắng mình trong một thời gian dài. Lúc này đây, đại gia Bầu Kiên từng sở hữu cả nghìn tỷ đồng trong tay mới thấm thía giá trị của hai từ tự do, đôi khi có nhiều tiền cũng không thể mua được.
Dám nói ra sự thật
Theo Cảnh sát toàn cầu/báo Công an nhân dân, trường hợp của chị Nguyễn Thị H (35 tuổi), ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là vợ bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường, vừa bị TAND Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù giam về hai tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Kết quả điều tra xác định, sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền không đúng theo quy định của ngành Y khiến chị Huyền tử vong, Tường đã thông báo sự việc này cho chị H. Sau đó, Tường cùng đồng phạm là Đào Quang Khánh và chị H ngồi chung trên ôtô và chở xác chị Huyền ra bờ sông để vứt xác phi tang.
Biết rõ việc Tường và Khánh bàn nhau làm điều thất đức, chị H đã nhiều lần can ngăn Tường không được vứt xác nạn nhân xuống sông nhưng Tường không nghe mà quyết thực hiện hành vi phạm tội. Chị H là người chứng kiến cảnh chồng mình vứt xác nạn nhân xuống sông.
Sau khi gây án, chị H cùng chồng đi gửi ôtô vào bệnh viện và cùng nhau về nhà. Cơ quan điều tra xác định, chị H biết rõ sự việc này nhưng không tố giác tội phạm. Tuy nhiên pháp luật luôn mở lượng khoan hồng cho những người biết ăn năn, hối cải nên không xem xét trách nhiệm đối với chị H trong vụ án này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tường và bị cáo Khánh quanh co, đổ thừa trách nhiệm cho nhau về việc, người này bảo người kia ném xác nạn nhân xuống sông, không ai chịu nhận tội là chủ mưu thực hiện hành vi ném xác nạn nhân xuống sông để phi tang. Lúc này, vai trò của nhân chứng duy nhất chứng kiến hành vi này là rất quan trọng. Nhân chứng ấy chính là chị H.
Khi HĐXX hỏi về vấn đề này, chị H đứng lặng người ít giây. Xung quanh chị lúc này là gia đình nhà chồng và gia đình nhà bị cáo Khánh - người làm thuê cho chồng chị đã tích cực giúp đỡ chồng chị gây ra tội lỗi tày trời. Mọi cặp mắt đang hướng về chị để chờ lời khai của chị xem có lợi cho ai. Hơn ai hết, chị H là người biết rõ điều này. Là người hiểu biết, sống có trách nhiệm nên trước sự mất mát quá lớn của một gia đình mà kẻ gây ra sự mất mát ấy chính là chồng chị nên lương tâm không cho phép chị nói điều gian dối.
"Thưa HĐXX, chồng tôi đã nhờ Khánh đưa thi thể nạn nhân đi phi tang ở sông", chị H nói vừa đủ nghe nhưng từng chữ đều rõ ràng, rành mạch. Đây là tình tiết được HĐXX đặc biệt để tâm, bởi chị H không chỉ là nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự việc này mà chị H còn là vợ của bị cáo Tường.
Trả lời xong, chị H lại đứng lặng người. Đôi bàn tay xoắn chặt vào nhau như thể cố kìm nén một nỗi đau mà chị đã và đang phải giấu kín trong lòng. Không chỉ chị H mà hầu hết những người tham dự phiên tòa này đều thấy lặng người về tình tiết mà chị H vừa khai. Thật không dễ gì để người vợ nhiều năm chung sống có thể nói ra sự thật mà điều đó lại bất lợi cho chồng mình. Nhưng biết làm sao khi mà chính chồng chị đã bỏ ngoài tai lời khuyên của chị để gây ra tội ác tày trời để rồi bị cả xã hội lên án về hành vi vô nhân tính.
Trước khi Tường và Khánh thực hiện hành vi phi tang xác nạn nhân xuống sông, chị H đã đúng khi nhiều lần can ngăn chồng không được làm thêm điều thất đức. Nhưng chỉ can ngăn thôi mà không có hành động quyết liệt hơn thì không đủ, vì cho dù chị H không muốn nhưng hậu quả của hành vi phạm tội vẫn xảy ra. Người ta vẫn trách rất nhiều về việc nếu chị H cương quyết ngăn chặn việc làm tội lỗi của chồng thì chắc chắn hậu quả của vụ án không lớn đến vậy.
Giá như lúc ấy, chị H đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình nạn nhân khi họ vừa mất con, vừa mất xác thì chắc hẳn chị sẽ đủ bản lĩnh để ngăn chặn hành vi tội ác của chồng. Điều đó không chỉ là việc làm phục thiện mà còn giúp cho chồng chị được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để giảm nhẹ hình phạt khi tòa lượng hình.
Với hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân, Tường đã phải nhận một bản án nghiêm khắc là điều đương nhiên. Nhưng dư luận sẽ sẻ chia và cảm thông hơn nhiều nếu trong bản án phạt tù bị cáo Tường về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… có vài dòng "ghi công" chị đã ngăn chặn kịp thời hành vi nguy hiểm của chồng, để nạn nhân xấu số được trở về đất mẹ với thân thể vẹn nguyên.
Nhìn chị H với đôi mắt buồn rười rượi và đôi chân nặng trĩu bước ra khỏi phòng xử án, mọi người đều hiểu, chị sẽ còn ân hận nhiều bởi sự thiếu quyết liệt của mình khi không kịp thời ngăn chặn tội ác.
Những uẩn khúc trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường.
Gia Huy (Tổng hợp)
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn