Vụ bác sĩ từ chối mổ cho người viết báo: Trái với quy định?
Bác sỹ Vũ Bá Quyết từ chối mổ vì bệnh nhân là người... viết báo.
Như tin tức đã đưa, báo Người đưa tin nhận được thư của bạn đọc tên Trang (trú tại Hà Tĩnh) cho biết, Trang bị Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ chỉ vì là người viết báo.
Chiều ngày 24/3, bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho rằng ông đã từ chối mổ trước khi biết bệnh nhân là phóng viên, không như thông tin cho rằng ông từ chối sau khi đã xem hồ sơ bệnh nhân và biết người này là phóng viên.
Tuy nhiên, chị Trang khẳng định: “Trước khi biết tôi là người viết báo, bác Quyết vẫn trò chuyện rất vui vẻ, không có gì bất thường. Chỉ sau khi hỏi và biết tôi đang cộng tác viết báo, bác ấy mới thay đổi thái độ, từ chối mổ. Bác ấy nói có thể mổ cho bất cứ ai ngoại trừ trường hợp này và bảo tôi tìm người khác mà mổ”.
“Nếu bác ấy từ chối vì lý do sức khỏe hoặc bận công việc thì tôi cũng rất vui vẻ. Nhưng điều khiến tôi bức xúc bởi bác ấy từ chối chữa bệnh cho tôi chỉ vì tôi là người làm báo”, chị Trang bức xúc nói.
Video tham khảo:
Làm rõ vụ bác sĩ từ chối cấp cứu, bệnh nhân tử vong
Trao đổi với PV Người đưa tin về vụ việc này, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, nếu thông tin chị Trang phản ánh là đúng thì việc bác sỹ Vũ Bá Quyết từ chối mổ cho chị Trang chỉ vì chị Trang là người viết báo đã vi phạm Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế được quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/ 2014 của Bộ Y tế, vi phạm Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Những việc không được làm đối với công chức, viên chức y tế được quy định tại Điều 2 Thông tư số 07/2014/TT-BYT như sau:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao
- Phân biệt đối xử về dân tộc, nam nữ, các thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Còn tại Luật khám bệnh, chữa bệnh, Điều 3 luật này quy định các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh
- Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề
Cũng theo Luật sư Giang Hồng Thanh, nếu bác sĩ Vũ Bá Quyết từ chối mổ cho bệnh nhân chỉ vì người này viết báo thì sẽ trái với quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Bởi, chỉ có một số trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể là:
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Ngoài hai trường hợp trên thì công chức, viên chức y tế không được từ chối khám chữa bệnh vì bất cứ lý do nào khác.
Vị luật sư này cũng thông tin thêm, trong trường hợp bác sỹ từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh (trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh nêu trên), người từ chối sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm e khoản 5 Điều 28 Nghị định sô 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế)
Trường hợp cấp cứu khẩn cấp, việc từ chối khám chữa bệnh của bác sĩ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân thì bệnh nhân hoặc người đại diện của họ có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Minh Anh - Phương Quế
www.nguoiduatin.vn