Có tiền sẽ thoát án?
Chỉ được “thoát tù” một lần
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Nguyệt Huệ (nguyên Phó Giám đốc sở Tư pháp TP.HCM) cho biết: “Như trước đây tôi đã có đề xuất, tội phạm kinh tế không nên xử tử hình, vì họ phạm tội xử xong rồi cũng không thu hồi được tài sản tham ô, tham nhũng. Việc áp dụng phạt tiền thay ở tù đối với một số tội phạm kinh tế là rất hợp lý. Số tiền này sẽ nộp vào ngân sách và tạo điều kiện cho người từng phạm tội khắc phục hậu quả”.
Tại hội thảo cho ý kiến dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây đề xuất, sẽ mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng, thậm chí cả tội rất nghiêm trọng và mở rộng đối với nhiều loại tội danh như tội phạm về môi trường, xâm phạm tài sản…
Cụ thể, người phạm tội buôn lậu trong khung hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm thì có thể nộp tiền phạt từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng để thay thế; bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm thì số tiền này phải từ trên 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng... Với tội trốn thuế, theo dự luật, người phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng bị phạt tù từ 2-7 năm có thể nộp phạt với số tiền từ ba đến năm lần số tiền trốn thuế thì sẽ thoát án tù...
Ba lãnh đạo công ty bị xét xử 9 năm tù trong một vụ án trốn thuế.
Hầu hết các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế (chẳng hạn như tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội sản xuất buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội kinh doanh trái phép, tội đầu cơ, lừa dối khách hàng, cho vay nặng lãi...) người phạm tội đều có thể nộp tiền phạt thay cho án tù.
Bà Nguyễn Nguyệt Huệ cũng cho rằng, để tránh có sự phân biệt giàu nghèo cần cân nhắc tùy theo mức độ phạm tội và hoàn cảnh tránh việc người có tiền không sợ phạm tội. Do vậy, nên quy định điều kiện để áp dụng phạt tiền theo hướng nghiêm khắc hơn, ví dụ chỉ được nộp một lần với tội ít nghiêm trọng.
Khấu trừ thời gian tạm giam ra sao?
Còn thạc sỹ Chu Thành Quang (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật hình sự, hành chính - viện Khoa học xét xử, TAND Tối cao) nhấn mạnh: Điểm khó nhất là trường hợp người bị kết án phạt tiền nhưng trước đó đã bị tạm giam, tạm giữ thì quy đổi ngày bị tạm giam, tạm giữ ra mức phạt tiền như thế nào? Quy đổi ngày tù sang tiền rất khó, không khéo sẽ dễ dẫn đến nhận thức sai lệch.
Mặt khác, Tòa án khi áp dụng hình phạt tiền cũng phải xem xét đến khả năng tài chính của bị cáo đó, chẳng hạn có khoản dư nợ nào không, có đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho ai không… để đảm bảo tính khả thi và tính nhân văn của hình phạt.
Ủng hộ quan điểm mở rộng áp dụng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng nhưng Thẩm phán Lê Xuân Sơn (TAND tỉnh Lạng Sơn) rất tâm tư: “Phạt tiền mang tính nhân văn nhưng với bà con vùng sâu, vùng xa nghèo khổ thì họ thà đi tù chứ không có tiền nộp phạt. Vậy phải làm sao? Có thể xử phạt tiền nhưng cho quy đổi ra biện pháp lao động công ích thay thế không? Không nên tuyên phạt tiền với người nghèo vì không có khả năng thi hành, hình phạt không có tác dụng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này”.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Không phải nộp tiền xong là xí xóa!
“Việc áp dụng hình phạt tù cũng không áp dụng với tất cả các tội danh trong bộ luật Hình sự mà chỉ áp dụng với một số tội danh như các tội xâm phạm tới quyền sở hữu, xâm phạm tới trật tự quản lý hành chính như “Tội trốn thuế”…, bởi mục đích cuối cùng của những người bị hại là lấy lại được tài sản đã bị chiếm đoạt.
Bởi lẽ, hình phạt suy cho cùng thì đều có mục đích giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung, mặt khác còn nhằm mục đích khắc phục những hậu quả do hành vi mà người phạm tôi gây ra.
Một người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi xét xử người đó phạm tội, Tòa án sẽ tuyên người đó phải chịu hình phạt bổ sung nào đó. Ví dụ như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề… Như vậy, dù có phải là nộp tiền hay chịu hình phạt tù giam thì người đó đều bị coi là người phạm tội và phải chịu những chế tài đa dạng của Nhà nước, chứ không phải nộp tiền xong là xí xóa.
Video xem thêm:
Nguyễn Đức Kiên phải ngồi tù 30 năm, nộp phạt hơn 75 tỷ đồng
Việc một người đi tù không có lợi cho bất kỳ ai cả, mặt khác việc một người phải ngồi tù không những khiến Nhà nước, gia đình người phạm tội tốn kém, người bị hại thì không lấy lại được tài sản.
Trong khi đó nếu không phải chấp hành hình phạt tù thì trong thời gian đó, người phạm tội có thể lao động để tạo ra của cải vật chất để có thể khắc phục hậu quả do mình gây ra, cũng đồng thời tạo ra của cải cho xã hội.
Như vậy, nếu cho áp dụng nộp tiền thay cho hình phạt tù đối với một số tội danh nhất định là có lợi cho cả Nhà nước, người bị hại, gia đình người bị kết án, người bị kết án thì tại sao chúng ta lại không mạnh dạn áp dụng”.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Không sợ người có nhiều tiền “chạy án”
“Đây là một đề xuất có tính khả thi. Có điều, không thể nói “thay thế hình phạt tù bằng phạt tiền” mà cần hiểu rằng, đã phạm tội thì phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật. Còn chịu hình phạt tù có thể nộp bằng tiền thuộc một số tội không gây nguy hại cho xã hội liên quan đến dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình. Còn phạm những tội cướp của, giết người, xâm phạm đến an ninh quốc gia thì dứt khoát phải cách ly xã hội để cải huấn.
Bên cạnh đó, tuy đã nộp tiền thay ngồi tù, nhưng vẫn là tù nhân và bị giám sát tương đương với số năm tù, chứ không phải là đã được xóa án tích. Như vậy, không sợ các “thiếu gia”, “đại gia” có nhiều tiền chạy án để thoát hình phạt tù mà đây là đã có bản án phạt tù nhưng nộp tiền thay ngồi tù.
Ngoài ra, ở các nước kinh tế và xã hội phát triển, yêu cầu minh bạch tài sản và công khai thu nhập là bắt buộc. Mỗi công dân phải có mã số thuế riêng của từng người. Do đó, việc phạt tù được nộp tiền thực hiện dễ dàng. Nếu Việt Nam muốn thực hiện được cần sự đồng bộ của ban ngành chức năng và cả xã hội”.
Bị phạt 60.000 USD vì chạy quá tốc độ Ở Phần Lan, mức tiền phạt cho người vi phạm luật luôn dựa trên thu nhập hàng ngày của người dân. Có nghĩa là, người có thu nhập càng cao thì tiền phạt càng lớn mỗi khi phạm luật. Theo tờ Italehti, năm 2014, khi vị thương gia có tên Reima Kuisla lái xe ở tốc độ 103 km/h trong khu vực giới hạn 80 km/h, ông đã phải trả một khoản tiền khổng lồ bởi lẽ... thu nhập của ông lớn. Ông Reima Kuisla kiếm được 7,16 triệu USD trong năm 2013 và mức phạt được tính ra là 60.000 USD. Mức tiền phạt này bằng giá trị của cả chiếc ô tô. Vũ Hương (dịch) |
Cao Tuân
www.nguoiduatin.vn