Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Kỳ cuối: Người kêu oan liệu có được giải oan?


Hiện nay, ngoại trừ 2 bản án của TAND tỉnh Vĩnh Phú và Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tuyên tử hình cụ Trần Văn Thêm được lưu giữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh, hồ sơ vụ án đã bị thất lạc. Có thể coi đây là một vụ án độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam vì sau lần bị tuyên án tử, cụ Thêm đã được trả tự do nhưng cụ lại không có bất cứ một bản án hay quyết định nào của Tòa án tuyên vô tội.


Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng như VKSNDTC, TANDTC, TAND tỉnh Phú Thọ đã nhận được đơn đề nghị được minh oan của cụ Trần Văn Thêm, nhưng các cơ quan này vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết vì thiếu căn cứ pháp lý.


Trao đổi với PV về vụ án có một không hai này, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng có cơ sở để xem xét lại vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tìm lại hồ sơ vụ án này chứ không phải là cụ Trần Văn Thêm!


Ông Ngụy Thế Hùng-Cán bộ VKSNDTC: Có cơ sở để xem xét lại vụ án


Vào thời điểm những năm 1970, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa ra đời. Do vậy, hành lang pháp lý để Tòa án xét xử các vụ án hình sự chủ yếu dựa trên Pháp lệnh và Hiếp pháp.


Theo nội dung vụ án mà báo thông tin thì đến thời điểm này, chưa có tài liệu nào của cơ quan có thẩm quyền khẳng định cụ Trần Văn Thêm bị kết án oan.


Chính vì vậy, nhiều năm qua, cụ Thêm đã đi gửi đơn kêu oan ở nhiều cơ quan như: TAND tỉnh Phú Thọ, VKSNDTC, TANDTC, Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Tuy nhiên, sau khi quyết định tư vấn miễn phí cho cụ Thêm, luật sư của cụ đã tìm lại được 2 bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án phúc thẩm của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (lưu giữ tại Công an tỉnh Bắc Ninh).


Theo quan điểm của tôi, đây là một trong những tài liệu quan trọng và có thể coi đó là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vụ án có một không hai này. Một người chỉ được coi là có tội khi có quyết định, bản án của Toà án tuyên người đó có tội. Ngược lại, một người được coi là bị kết án oan khi và chỉ khi có quyết định của Toà án có thẩm quyền, tuyên người đó vô tội.


Hơn 40 năm trước, bản án phúc thẩm của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên cụ Trần Văn Thêm án tử hình. Do vậy, muốn chứng minh cụ Thêm vô tội, thì TANDTC phải xem xét vụ án theo trình tự tái thẩm. Điều khó nhất trong vụ án này là hồ sơ vụ án bị thất lạc, tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vẫn có cơ sở để xem xét lại vụ án.


Ông Nguyễn Hoàng Tiến- Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng, kỷ luật Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, nguyên điều tra viên Công an quận Đống Đa, Hà Nội: Vụ án này gần giống vụ án Nguyễn Thanh Chấn


Kỳ cuối: Người kêu oan liệu có được giải oan? - Ảnh 1


Theo quy định của Chính phủ, thời hạn quản lý hồ sơ vụ án hình sự là 50 năm. Do vậy còn khoảng 5 năm nữa mới hết thời hạn bảo quản lưu trữ hồ sơ vụ án.


Theo đánh giá chủ quan của tôi, hồ sơ vụ án này không chỉ được lưu giữ tại Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ (hoặc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc) mà còn lưu trữ ở VKSND, TAND tỉnh Phú Thọ (hoặc VKS, TAND tỉnh Vĩnh Phúc); VKSNDTC và TANDTC.


Nếu hồ sơ chỉ có 2 bản án thì không thể trả tự do cho người bị coi là oan được. Tôi thấy vụ án này gần giống vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Có thể nói, các điều tra viên điều tra vụ án này còn quá non về nghiệp vụ cũng như cách đánh giá chứng cứ, cơ chế hình thành thương tích của người bị hại chưa được chuẩn chỉ. Do vậy, mới dẫn đến chuyện vụ án có dấu hiệu oan sai.


Ông Phạm Xuân Anh- Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang, nguyên Chánh án TAND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang: Cần kháng nghị bản án theo trình tự tái thẩm


Kỳ cuối: Người kêu oan liệu có được giải oan? - Ảnh 2


Xuất phát từ việc có người tự thú hành vi vi phạm pháp luật của mình, Công an tỉnh Vĩnh Phú mới làm thủ tục tha tù đối với cụ Trần Văn Thêm. Nhiều năm làm việc trong ngành Tòa án, tôi thấy rằng chỉ có bản án giám đốc thẩm, hoặc tái thẩm tuyên cụ Thêm vô tội thì mới có căn cứ thả người.


Theo lời kể của cụ Cù Văn Tiện (nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phú), người được giao xem xét lại vụ án của cụ Trần Văn Thêm thì hung thủ giết nạn nhân Nguyễn Khắc V. là Phùng Thanh Nhàn (quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).


Đây là tình tiết mới, làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án, do vậy VKSNDTC hoặc TANDTC cần kháng nghị bản án theo trình tự tái thẩm. Trên cơ sở 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có cơ sở lật lại vụ án, thu thập tài liệu liên quan, phục hồi điều tra vụ án này.


Việc cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cụ Trần Văn Thêm phải cung cấp tài liệu để chứng minh mình bị oan là làm khó đương sự. Trong trường hợp này, trách nhiệm tìm lại hồ sơ vụ án là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng!


Video xem thêm:




Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường


Ông Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang: Tôi không tin hồ sơ vụ án đã bị thất lạc!


Kỳ cuối: Người kêu oan liệu có được giải oan? - Ảnh 3


Phải khẳng định ngay rằng, bản án hình sự phúc thẩm của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật, đến thời điểm này vẫn chưa được thi hành. Minh chứng là cụ Trần Văn Thêm vẫn đang sống tại quê nhà, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trước tiên, chúng ta phải làm rõ lý do: Vì sao hơn 40 năm qua, cụ Trần Văn Thêm không phải trả án (thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật)? Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan thi hành án hình sự (thuộc bộ Công an). Hơn ai hết, những cơ quan như TAND tỉnh Vĩnh Phú (sau khi chia tách là TAND tỉnh Phú Thọ, TAND tỉnh Vĩnh Phúc), TANDTC, VKSNDTC, bộ Công an phải biết lý do tại sao bản án trên không được thi hành?


Hiện cụ Trần Văn Thêm tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ngày ngày vẫn phải mang đơn đi kêu oan, phải tự thu thập tài liệu để chứng minh mình vô tội. Mặc dù vậy, đã có nhiều nhân chứng, người có quyền lợi liên quan đến vụ án (ông Cù Văn Tiện và bà Phùng Thị Sứng) khẳng định cụ Thêm có dấu hiệu bị kết án oan. Đây là những căn cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền lật lại vụ án năm xưa, xem cụ Thêm có oan thật hay không?


Về nguyên tắc, Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án năm xưa phải có trách nhiệm giải quyết đơn kêu oan của cụ Thêm và trả lời bằng văn bản. Song, thật đáng tiếc, các cơ quan này lại yêu cầu cụ Thêm cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cụ bị kết án oan.


Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị kết tội có quyền cung cấp chứng cứ, nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình phạm tội hay không. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng cụ Trần Văn Thêm nên đề nghị VKSNDTC và TANDTC xem xét lại vụ án theo trình tự tái thẩm.


Ngoài ra, cụ Trần Văn Thêm có thể đến Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, giải quyết công việc được nhanh chóng và đúng pháp luật.


Điều cuối cùng tôi muốn nói, dù vụ án đã xảy ra cách đây hơn 40 năm, nhưng hồ sơ vụ án phải được lưu giữ tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Không thể nói hồ sơ vụ án đã thất lạc toàn bộ như văn bản trả lời đơn của cụ Trần Văn Thêm của VKSNDTC. Về nguyên tắc, 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm vẫn còn thì không có lý do gì hồ sơ vụ án lại “biến mất”. Tôi không tin hồ sơ vụ án lưu tại các cơ quan tiến hành tố tụng đều bị thất lạc!


Cá nhân tôi cho rằng, theo pháp luật hình sự hiện hành, có đủ cơ sở để xem xét lại vụ án của cụ Trần Văn Thêm. Vấn đề là cơ quan tiến hành tố tụng có muốn xem xét lại hay không mà thôi!


Thiên Long - Lương Liễu





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP