Lùm xùm luật xử phạt admin diễn đàn, Facebooker
Sau đó là sự ra đời của Nghị định số 72/2013/NĐ-CPvề quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung trên mạng. Những thông tin này đã là chủ đề nóng hổi trong suốt nhiều ngày qua. Theo đó, cư dân mạng hoang mang không biết “Chia sẻ thông tin của một bài báo lên Facebook cá nhân có vi phạm không?”, “Diễn đàn chỉ lập ra để chia sẻ và trao đổi thông tin miễn phí mà cũng phải đăng ký à?”...
Một Fanpage trên Facebook chuyên tổng hợp thông tin báo chí.
Nói về việc xử phạt các diễn đàn trực tuyến, nhiều Admin (quản trị diễn đàn) tỏ ra bức xúc: “Không lẽ một forum do một khoa trong một trường mở ra với mục đích chia sẻ thông tin học tập cũng bị phạt à? Mà phạt thì phạt ai trong khi Admin là những sinh viên còn đang phải lo từng đồng từng cắt để ăn học, khi họ ra trường thì ngoài cái hư danh VIP Member họ chả có gì cả.
Vậy nếu phạt họ thì có gọi là công lí trong luật đã ban hành?”. Bên cạnh đó, không ít Admin đã hiểu rõ vấn đề và nhanh chóng tìm cách đăng ký diễn đàn của mình với Bộ Thông tin & Truyền thông, đặc biệt là những diễn đàn lớn, có lượng thành viên đông đảo và nội dung phong phú.
Thật vậy, Khoản 4, Điều 19 của Nghị Định số 28/2009/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến khi chưa có thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận về việc đã nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ”, kết hợp với định nghĩa “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CPthì diễn đàn đã được hiểu như một mạng xã hội và hiển nhiên bị áp dụng luật trên để xử phạt.
Như vậy, hình phạt trên là đúng luật! Qua sự việc này, người dùng đã hiểu rõ hơn về luật pháp nước nhà, cũng như việc đăng ký trước khi mở một diễn đàn trực tuyến là cần thiết. Bời vì, nhờ đó các cơ quan nhà nước có thể quản lý, kiểm soát và thanh tra khi cần, tránh xuất hiện những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, phản động…
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là luật có quá khắt khe? Nhiều người thắc mắc “Mình đang học môn lập trình web, được giáo viên yêu cầu lập một diễn đàn bằng Joomla và phải đạt một lượng thông tin nhất định. Vậy chỉ vì một bài tập nhỏ mà mình phải tìm đến Bộ TT & TT, chưa kể phải chờ đợi 15 ngày xét duyệt?”. Có lẽ, luật đúng… nhưng đi kèm đó cần phải có một cơ chế đăng ký dễ dàng và phúc đáp nhanh chóng. Cũng như việc chuyển quyền sở hữu xe máy, nếu thủ tục không quá rườm rà thì người dân chẳng ngại gì sang tên, đổi chủ sau khi bán xe.
Còn việc tạo lập diễn đàn trực tuyến được thực hiện bởi những người am hiểu công nghệ, đây cũng là một hình thức tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại, thiết nghĩ nếu có một hình thức đăng ký và xác nhận trực tuyến thì hay biết mấy. Về cách làm này, có thể học hỏi từ các các dịch vụ trực tuyến của nước ngoài, như PayPal xác thực thông tin người dùng bằng cách yêu cầu đính kèm ảnh chụp của những giấy tờ cần thiết và thông tin liên quan, rồi gửi về email, tất cả diễn ra theo đúng nghĩa “Online”.
Về câu hỏi “Chia sẻ một tin tức báo chí lên mạng xã hội có bị xử phạt không?” thì không khó để trả lời. Người dùng sẽ không phạm luật nếu chỉ trích một phần nội dung, có dẫn kèm đường dẫn để ai thích đọc thì phải truy cập đến trang tin gốc; còn việc sao chép toàn bộ nội dung của người khác đưa lên trang web do mình quản lí, hay diễn đàn, trang Facebook cá nhân,… rõ ràng vi phạm nghiêm trọng quyền sỡ hữu trí tuệ, mặc cho có để nguồn, trừ khi giữa hai bên đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin và có giấy tờ chứng thực hẳn hoi.
Theo Khampha.vn
www.nguoiduatin.vn