Tiền chạy án cho 'ông trùm' Năm Cam dùng vào việc gì?
Đến lúc bị bắt vào trại, Năm Cam tiếp tục chỉ đạo cho Hiệp “phò mã” và Long “đầu đinh” ra hẳn Hà Nội để luôn sát cánh với các tay giang hồ phía Bắc hòng chạy tội cho Năm Cam.
Các đại ca cộm cán lên trại thăm “ông trùm”
Chỉ vài ngày sau khi Năm Cam nhập trại, Thành “chân”, một đại ca cộm cán đến thăm “ông trùm của các ông trùm”. Đi cùng gã giang hồ đất Cảng có Khánh “trắng”, một “trùm” giang hồ khét tiếng ở Hà Nội. Theo Năm Cam, đây là cả một sự liều lĩnh và y tỏ vẻ không hài lòng.
- Chú không nên đến đây, bất lợi cho chú và… cho cả tôi!
Khánh “trắng” khui chai rượu Martel mang theo, vừa cười vừa đáp:
- Anh đừng sợ, chẳng ai dám sờ đến em đâu!
“Ông trùm của những ông trùm” hiểu ngay một điều tất yếu sẽ xảy ra trong nay mai: Khánh “trắng” sẽ khó tồn tại với bệnh chủ quan và sẽ có kết thúc không tốt đẹp chút nào! Quả không hổ danh một “ông trùm” đầy mưu lược. Năm Cam đã đoán đúng về “con hổ dữ Hà thành”: Khánh “trắng” sau chuyến đi thăm Năm Cam đã bị tóm cổ. Năm Cam chỉ nhún vai tỏ ý rất tiếc khi nhận được tin và buông luôn một câu: “Ở đời chẳng cái dại nào giống cái dại nào!”.
Nhưng trớ trêu thay, sau này, Năm Cam cũng bị sa lưới cũng bởi chính sự chủ quan như thế. Thời gian ấy, ngoài Thành “chân”, Khánh “trắng”, còn có một số đại ca cộm cán khác ở Hà Nội cũng lên trại thăm Năm Cam.
Trong thời gian dựng nghiệp giang hồ nhờ vào các sòng bạc, Năm Cam chú trọng mua chuộc các tay giang hồ anh chị về dưới trướng. Y đã tung tiền giúp đỡ gia đình, thân nhân một số tay anh chị gặp khó khăn trong lúc bị công an bắt giữ, kể cả việc thuốc thang, chôn cất những người thân trong gia đình các tội phạm đang thụ án.
Chính từ đó, tiếng tăm hào hiệp của “trùm” Năm Cam càng được giới giang hồ kính trọng, quy phục. Một số tên có tiền án đã mãn hạn tù hoặc trốn thi hành án, cuộc sống khó khăn, được Năm Cam giúp đỡ đưa vào chân canh giữ, bảo vệ các sòng bạc, trường gà. Qua đó, các đối tượng băng nhóm dao búa này có đời sống ổn định và lệ thuộc hẳn vào sự điều động của “trùm” Năm Cam.
Về thông tin, trong quá trình Năm Cam vươn “chiếc vòi bạch tuộc” ra Bắc, ngoài việc nhắm tới Dung “Hà”, “nữ hoàng đen” đất Hải Phòng thì y còn có mối quan hệ đặc biệt với “trùm” giang hồ Khánh “trắng” ở Hà Nội.
Tướng Phạm Xuân Quắc (nguyên Cục trưởng CSHS, Bộ Công an, Phó ban chuyên án vụ Năm Cam) cho rằng: “Bản chất của băng nhóm Năm Cam là cho vay nặng lãi, bảo kê nhà hàng, vũ trường, sòng bạc, đánh bạc, gá bạc để thu “xâu”. Năm Cam không có quan hệ với Khánh “trắng” trong hoạt động làm ăn. Năm Cam chỉ đặt quan hệ và đã làm ăn thật sự với một số đối tượng giang hồ có số má ở phía Bắc chuyên cờ bạc bịp, cá độ bóng đá chuyên nghiệp và bảo kê các sòng bạc”.
Có thông tin rằng, thời gian bị trại cải tạo ở trại Thanh Hà (Vĩnh Phúc) Năm Cam đã móc nối với giang hồ xứ Bắc. “Điều có thể đúng mà cũng không, bởi giang hồ cộm cán, chúng thừa xảo quyệt để “ngửi” thấy nhau, để biết “tầm” của nhau cùng hợp tác chia lợi nhuận”, Tướng Quắc phân tích.
Theo Tướng Quắc: “Năm Cam là kẻ khôn ngoan. Tại tất cả vùng trọng điểm trong nước, tên này đều có mắt xích làm ăn. Ngày đó, ở miền Đông Nam Bộ, miền Tây, TP.HCM… cứ nghe tên Năm Cam là nhiều người sợ đến mức mặt tái xanh. Tội phạm có tổ chức rất xảo quyệt, nhiều mưu mô và Năm Cam là một tên như vậy”.
Ở trong trại, làm đơn đòi quyền bầu cử
Chuyển đến Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc đầu năm 1996, Năm Cam được nhiều cán bộ quan tâm, chú ý. Nhưng khác với tưởng tượng của nhiều người, tên giang hồ này tỏ ra rất lễ phép. Y chào hỏi từng người và nhanh chóng phân biệt được vị trí, cấp bậc của mỗi cán bộ. Với những trại viên buộc cải tạo do trộm cắp, gây rối là những người mà trước đó Năm Cam chỉ coi là đám lâu la thì nay “ông trùm” không hề tỏ ra trịnh thượng.
Vẻ bề ngoài tỏ ra rất ngoan hiền, lễ phép, gương mẫu… là những gì “ông trùm” thể hiện khi phải lao động cải tạo tại trại Thanh Hà. Song mặt sau của trại viên đặc biệt này, theo các cán bộ giám thị, là một kẻ gian ngoan đang “nghỉ ngơi chờ thời”.
Một lãnh đạo của trại Thanh Hà cho biết, không như các trại viên khác thường về trại theo đoàn và theo đợt, việc cải tạo của Năm Cam được cấp trên báo về, yêu cầu chuẩn bị tiếp nhận. Ban giám thị trại đã triệu tập cán bộ chủ chốt, quán triệt nhiệm vụ nhằm tránh những phức tạp về sau.
Năm Cam không bao giờ tỏ ra quá vui hay quá buồn và luôn gương mẫu, sinh hoạt đúng giờ giấc theo kẻng báo của trại. Cảnh giác với việc “ông trùm” bỏ trốn hoặc có điều kiện liên lạc với những tên tội phạm ngồai xã hội, lãnh đạo trại để Năm Cam lao động ngay trong trung tâm, không ra khu sản xuất như các trại viên khác.
Thoạt đầu, y được phân công làm việc tại xưởng mộc, cơ khí. Hắn rất chịu khó, cứ lụi cụi làm lụng suốt ngày. Về sau, do bị nhiễm tủy chân răng, ăn uống kém, sức khỏe giảm sút, Năm Cam được chuyển sang làm vệ sinh, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh.
Từ vị trí một tổ trưởng chăm sóc hoa kiểng có dưới tay cả chục phạm nhân ốm đói vật vờ, luôn trông chờ vào lòng “từ bi hỉ xả” của “ông trùm”, Năm Cam được đưa qua thư viện với điều kiện toàn bộ sách báo y phải tự lo liệu.
Gia đình Năm Cam đến thăm cứ hai tháng một lần, chỉ tính riêng tiền vé máy bay đã cả tỷ bạc! Một con số kinh khủng, nhưng nào có thấm tháp gì so với số tài sản khổng lồ mà “ông trùm” tích cóp suốt bao nhiêu năm.
“Con đã liên hệ với một số đai gia có mối quan hệ nhiều với cơ quan chức năng có thể cứu xét vụ việc của ba. Anh ta bảo việc của ba có thể lo được nhưng tốn ghê lắm!”, Hiệp thông báo cho ông bố vợ một cách hồ hởi.
Không hồ hởi sao được, vì chỉ với lí do “lo cho ba”, gã con rể mới có thể rút ruột được gia đình vợ những khoản tiền lớn dùng vào việc chạy tội cho Năm Cam. Số còn lại, gã và đàn em Long “đầu đinh”, tha hồ ném vào cuộc truy hoan không mệt mỏi cạnh những mỹ nữ đất Hà thành, đẹp, thông minh lại khéo chiều chuộng.
Nghe Hiệp nói về việc chạy tội để được ra trại sớm, Năm Cam mừng như bắt được vàng, y hỏi luôn:
- Thằng đó đòi bao nhiêu? Con có hỏi cách làm việc của nó không?
- Cũng đơn giản thôi ba ạ! Việc bắt giữ ba, theo anh ta nói, hoàn toàn có thể khiếu kiện và nếu chịu “chi ngọt”, chuyện gỡ cho ba về rất dễ!.
- Bao nhiêu? Năm Cam hỏi dồn, niềm hy vọng tự do làm y trở nên hấp tấp.
- Khoảng 40.000 USD và thêm 10.000 USD cho anh ta!
- Rồi! Coi như xong, con cứ tiến hành, ba đợi… Năm Cam kết luận.
Cán bộ trại chỉ nhận ra bộ mặt “cáo già” của người trại viên gương mẫu này, khi tới thời điểm chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa X, bỗng có công văn cấp trên báo xuống là có đơn khiếu nại của trại viên Trương Năm Cam về việc không có tên trong danh sách cử tri. Kiểm tra lại mới biết, tên của Năm Cam có đủ trong danh sách niêm yết tại trại, nhưng y xem không cẩn thận nên không thấy.
Vậy là “ông trùm ” lẳng lặng viết đơn gửi thẳng ra ngoài. Vụ này, do vi phạm nội quy trại, Năm Cam đã phải kiểm điểm và hắn đã rất nhún nhường xin lỗi. Sau đó, lãnh đạo trại phải cẩn thận chụp ảnh, quay phim đầy đủ về hoạt động bầu cử của các trại viên, trong đó hiện rõ mặt “ông trùm”. Năm Cam ra trại cuối năm 1997, sau này, qua thông tin về Năm Cam trên báo chí, các cán bộ trại giam mới hiểu rõ hơn về đối tượng trại viên đặc biệt này.
Còn tiếp...
Hoàng Chinh
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn