Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Hiểu lầm trên Facebook, nữ sinh bị đánh hội đồng đến cấm khẩu?


Bị bạn đánh đến cấm khẩu!?


Theo thông tin em Quyên Thị Phương H. (SN 1998, học sinh lớp 11 trường THPT Tử Đà, Phù Ninh, Phú Thọ) cung cấp, trước đó vào khoảng hơn 6h sáng 14/10/2014, em bị 4 nữ sinh gồm Trần Thu Phương, Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Thị Linh và Hoàng Thị Dung (đều học cùng trường) xông vào dùng tay, chân đánh liên tiếp vào người.


Hôm sau 15/10, các nữ sinh này lại tiếp tục đánh H.. Không chỉ đánh đập, 4 nữ sinh này còn chửi bới, xúc phạm H. một cách thậm tệ, bắt H. không được nói với cô giáo, nếu không sẽ bị đánh tiếp.


Sợ bị đánh tiếp, H. đã không dám nói với ai. Học hết buổi hôm đó, H. về nhà trong tình trạng đầu tóc rối bù, mặt thâm tím, một phần môi dưới bị rách sưng to...


Xem video: Bị đánh hội đồng, nữ sinh lớp 11 mất khả năng giao tiếp.


Trưa cùng ngày, mẹ H. đi làm về thấy con như vậy liền hỏi nguyên do nhưng H. không dám kể sự thật mà nói với mẹ là bị ngã vào đống gạch khi đi học về.


Thấy lời con nói có điểm không hợp lý, chị Cao Thị Hằng (mẹ H.) hỏi cặn kẽ hơn. Biết không thể giấu mẹ, H. đã kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Qua câu chuyện của H kể, chị Hằng đã đi tìm hiểu và xác định là 4 nữ sinh kể trên có học cùng trường với H..


Ngay hôm sau, chị Hằng gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của H. để thông báo về việc con mình bị đánh. Vì đang đi tập huấn nên cô giáo nói chưa giải quyết được. Thời gian cứ thế trôi đi cho đến khi chị Hằng phát hoảng khi biết con mình dần mất hẳn tiếng nói.


Ngày 21/10/2014, chị Hằng đưa con gái lên trường hỏi chuyện những nữ sinh kia. Lúc này, các nữ sinh đánh H. đã thừa nhận sự việc và nhận lỗi trước gia đình chị Hằng và nhà trường.


Để tìm hiểu sự việc trên, chiều 16/3/2015, PV đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Anh Hùng, Hiệu phó trường THPT Tử Đà nơi xảy ra sự việc.


Thầy Hùng cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của gia đình em H., chúng tôi đã lập tức xác minh, điều tra, làm rõ. Trong buổi làm việc với nhà trường, 4 nữ sinh tham gia đánh H. đã nhận lỗi trước hội đồng nhà trường và gia đình em H.. Nguyên nhân theo trình bày của 4 nữ sinh là do hiểu nhầm từ dòng chia sẻ trên trang cá nhân. Sau đó, chúng tôi đã kỷ luật cảnh cáo 4 nữ sinh này trước toàn thể nhà trường và hạ hạnh kiểm yếu trong học kỳ 1 với cả 4 nữ sinh. Hiện tại chúng tôi đang chờ phía cơ quan công an có kết luận cuối cùng để có hình thức xử lý đối với 4 nữ sinh trên...”.


Hiểu lầm trên Facebook, nữ sinh bị đánh hội đồng đến cấm khẩu? - Ảnh 1


Hiệu phó trường THPT Tử Đà trao đổi với PV.


“Sự việc xảy ra với em H. khiến chúng tôi rất bất ngờ. Từ khi em H. đi viện thăm khám và điều trị, chúng tôi cũng đã đến thăm hỏi thường xuyên. Ngày 15/3, phía nhà trường cũng đã liên hệ và đưa em H. đi khám lại ở bệnh viện Bạch Mai. Mong rằng em H. sớm nói được trở lại, để tiếp tục đi học...”, thầy Hùng tâm sự.


Mong ước giản dị của cô học trò nhỏ


Rời khỏi trường THPT Tử Đà, PV tìm về khu 8, xã Bình Bộ (Phù Ninh, Phú Thọ), nơi em H. sinh sống để tìm hiểu thêm thông tin. Người dân khu 8 đều biết câu chuyện buồn của em H.. Điều khiến họ băn khoăn là vì sao sự việc xảy ra đã gần 6 tháng mà cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng?


Vì không nói được nên suốt cuộc trò chuyện với PV, H. đều phải viết vào giấy.


“Em rất muốn được đi học lại cùng với các bạn, em nhớ trường nhớ lớp lắm các anh ạ. Nhưng bây giờ em vẫn chưa ổn định được tâm lý, vẫn đang phải uống thuốc và không nói được nên em không dám đến trường. Bây giờ nếu em được ước thì em chỉ ước một điều là mình có thể nói trở lại như bình thường để được đi học, được nói chuyện với bạn bè và mọi người xung quanh”, đó là những lời tâm sự đầy nước mắt của H. qua những dòng chữ run run trên trang giấy học trò.


Hiểu lầm trên Facebook, nữ sinh bị đánh hội đồng đến cấm khẩu? - Ảnh 2


Vì không nói được, H. phải viết ra giấy hoặc ra ký hiệu.


Ngồi bên cạnh con gái, chị Cao Thị Hằng chỉ biết nhìn con mà khóc.


Chị tâm sự: “Tôi không ngờ nó bị đánh đến nông nỗi này. Sau khi biết H. mất khả năng nói, gia đình tôi đã cố vay mượn bà con, hàng xóm đưa H. đi khắp nơi để chữa trị. Nhưng đã gần 6 tháng trôi qua mà bệnh tình của nó vẫn không tiến triển. Tiền thì hết, bệnh còn nguyên, giờ đây tôi chỉ biết trông chờ vào sự may mắn thôi...”.


Theo tìm hiểu, H. là con đầu trong một gia đình có 2 chị em. Gia đình em thuộc vào dạng khó khăn của địa phương, thu nhập chính trông chờ vào mấy sào ruộng. Ở trường cũng như ở nhà, H. đều là trò ngoan, con hiền. Trong hơn 5 tháng phải nghỉ học ở nhà, H. thường xuyên ra đồng phụ giúp cha mẹ.


Sau khi thăm khám ở viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, các bác sỹ chẩn đoán H. bị mất khả năng nói do dư chấn tâm lý.









Chờ kết quả giám định thương tật


Ngày 16/3, trao đổi với PV, một cán bộ Công an huyện Phù Ninh cho biết: “Vì vụ việc có liên quan đến bạo lực học đường nên chúng tôi đã báo cáo với Công an tỉnh Phú Thọ. Hiện chúng tôi đang trưng cầu giám định thương tật ở bệnh viện Tâm thần Trung ương để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án”.



Xuân Nguyễn





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP